Ông Phạm Thế Duyệt: “Xử lý cán bộ, phải tự thấy rằng hôm qua ai đã đưa họ lên”

Đảng ta đã quyết tâm không có “vùng cấm”, không ngoại trừ một ai, nếu như người đó có sai phạm, khuyết điểm trong việc quản lý đất nước, quản lý kinh tế, ảnh hưởng đến Đảng, đến nhân dân. Nhưng tôi cũng có suy nghĩ, chúng ta mừng là vì đã quyết tâm xử lý, kể cả cán bộ cấp chiến lược. Nhưng lại phải tự thấy rằng, hôm qua chúng ta đã có khuyết điểm, đã đưa họ vào những cương vị lãnh đạo, không kiểm tra, kiểm soát- ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Phạm Thế Duyệt: “Xử lý cán bộ, phải tự thấy rằng hôm qua ai đã đưa họ lên” - 1

PV: Trong năm vừa qua sự phát triển của đất nước thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Có nhiều yếu tố góp phần cho sự phát triển chung của đất nước, một trong những yếu tố quan trọng là quyết tâm của Đảng, của cả xã hội trong việc phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, dù ở cấp nào, ngành nào. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Ông Phạm Thế Duyệt: Có thể nói, bước vào năm mới 2018, không khí phấn khởi khắp cả nước, nhân dân vui mừng trước sự phát triển chung của đất nước. Năm 2017, có sự chuyển biến khá rõ về kinh tế, xã hội và đối ngoại, về hưởng ứng của nhân dân trong thực hiện các Nghị quyết của Đảng.

Bản thân tôi nói riêng, các cán bộ nghỉ hưu và nhân cả nước nói chung, ai cũng phấn khởi vì Đảng thực sự quan tâm đến công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Tôi cũng tâm tư nhiều lần, nghĩ ngợi giữa Nghị quyết và hành động, giữa nói và làm còn có khoảng cách. Nhưng lần này các đồng chí trong Bộ Chính trị đã thể hiện quyết tâm nói đi đôi với làm. Chủ trương này ngay từ khóa XI, Ban Chấp Trung ương Đảng đã khơi dậy nhưng làm chưa được nhiều, sang khóa XII này thì khá rõ, nhất là trong năm 2017 và bước sang năm mới 2018.

Điều này thể hiện rõ ở việc lắng nghe ý kiến của dư luận, khi thấy có vấn đề, tình hình phức tạp thì kiểm tra, đánh giá đúng đắn. Trên cơ sở đó, phát hiện được những cán bộ lãnh đạo, kể cả cán bộ cấp cao có sai phạm, từng bước đưa ra xem xét, xử lý.

Ngay cả việc thực hiện việc mô hình phòng xử án mới, tôi thấy rất tốt, thể hiện sự bình đẳng trong tranh tụng, thể hiện tính độc lập trong xét xử. Tranh luận thẳng thắn, rõ ràng, xử đúng người, đúng tội. Điều này nhận được sự đồng tình của nhân dân.

Tôi hay suy nghĩ, công tác cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đây là điểm then chốt nhất mà Đảng quan tâm. Chắc chắn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vấn đề này sẽ được làm tiếp, làm cho các cấp ủy Đảng từ Trung ương xuống cơ sở ai cũng thấy được trách nhiệm của mình, thấy được thiếu sót và nhìn ra được một bộ phận không nhỏ đã hư hỏng, suy thoái đạo đức lối sống, tư tưởng chính trị, lợi ích nhóm, dựa vào của công để chiếm đoạt, thu vén và tham nhũng.

Bộ Chính trị đã thể hiện mạnh mẽ quyết tâm "nói đi đôi với làm"

PV: Thưa ông, cũng liên quan đến công tác cán bộ, trong những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến các phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm. Ông có suy nghĩ gì về những phiên tòa này?

Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi có 2 suy nghĩ. Đảng ta đã quyết tâm không có “vùng cấm”, không ngoại trừ một ai, nếu như người đó có sai phạm, khuyết điểm trong việc quản lý đất nước, quản lý kinh tế, ảnh hưởng đến Đảng, đến nhân dân.

Nhưng tôi cũng có suy nghĩ, chúng ta mừng là vì đã quyết tâm xử lý, kể cả cán bộ cấp chiến lược. Nhưng lại phải tự thấy rằng, hôm qua chúng ta đã có khuyết điểm, đã đưa vào những cương vị lãnh đạo, không kiểm tra, kiểm soát, không chú ý xây dựng từ cơ sở.

Giá mà có một phương thức lãnh đạo tốt, để số cán bộ này không vi phạm, khi biết họ có khuyết điểm thì không đưa họ vào các vị trí lãnh đạo, để hôm nay không phải xử lý họ thì có lẽ còn tốt hơn. Nhưng bây giờ làm được việc này cũng là rất mừng.

Ông Phạm Thế Duyệt: “Xử lý cán bộ, phải tự thấy rằng hôm qua ai đã đưa họ lên” - 2

PV: Thưa ông, trong năm vừa qua, quá nhiều cán bộ vi phạm ở các cấp đã bị đưa ra xử lý. Theo ông, việc này được coi là một tín hiệu đáng mừng hay đáng lo trong công tác cán bộ?

Ông Phạm Thế Duyệt: Làm được điều này thì nhân dân vui, cán bộ Đảng viên ai cũng vui. Tín hiệu đó báo hiệu quyết tâm mạnh mẽ của Đảng. Nhân dân và Đảng viên tin tưởng Nghị quyết của Đảng đã thể hiện được bằng hành động, nói và làm của Đảng đã rõ.

Nhưng tôi vẫn phải nhắc, vui thì vui nhưng vẫn phải bình tĩnh, xem xét một cách kỹ lưỡng. Chúng ta phải hết sức thẳng thắn như nhận định của Tổng Bí thư rằng, đó mới là bước đầu, chúng ta còn nhiều việc phải làm, phải làm một cách bài bản hơn, chặt chẽ hơn.

Làm sao cả hệ thống chính trị phải đồng bộ, làm sao tiếng nói ở đây không phải của chỉ riêng Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, mà phải làm sao tiếng nói này nó sôi dậy từ các cơ sở Đảng, từ Trung ương, xuống các Bộ, ngành, các tỉnh và dưới cơ sở.

Ở đâu cũng có ý thức rất tự giác, tự chịu trách nhiệm với Đảng trong việc xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ của mình. Nếu làm được như vậy, tôi tin chắc chúng ta sẽ thắng lợi.

Phải nhiều người nhặt được củi khô, củi tươi cho vào lò để “giữ lửa”

PV: Trong các cuộc họp, Tổng Bí thư cũng đã có nhiều chỉ đạo được người dân đồng tình ủng hộ. Tổng Bí thư đã từng nói “Lò đã nóng thì củi tươi, củi khô cũng phải cháy”, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng ta trong việc phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ sai phạm. Với quyết tâm cao của Đảng, của Tổng Bí thư thì sự vào cuộc của các Bộ ngành, các cấp đã đủ “giữ lửa” để đẩy lùi tham nhũng, thưa ông?

Ông Phạm Thế Duyệt: Trên thì đã sôi và đã có quyết tâm cao từ Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và cấp ủy Trung ương, thì lò nóng và củi nào cũng cháy.

Như tôi hay nói, làm sao lò cháy mà nhiều người nhặt được các củi khô, củi tươi, củi không tốt đều cho vào lò, để nó cháy liên tục. Đến bao giờ thấy yên tâm về đội ngũ cán bộ của chúng ta thì mới tin mọi việc đi vào nền nếp.

PV: Những chỉ đạo, hành động và quyết tâm của Đảng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực sự tạo được khí thế, củng cố niềm tin của người dân về sự lãnh đạo của Đảng, về công cuộc đổi mới của đất nước. Xin ông cho biết cảm nhận của mình?

Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi rất đánh giá cao đồng chí Tổng Bí thư, sang khóa XII đã có những thể hiện rõ quyết tâm hơn khóa XI. Trong chỉ đạo của Tổng Bí thư đã tạo được sự đồng bộ thống nhất trong lãnh đạo, cho nên mới quyết tâm xử lý những cán bộ thuộc cấp cao của Đảng. Điều đó không thể không đánh giá cao công lao, quyết tâm của Tổng Bí thư.

Tôi cũng rất mong các đồng chí khác ở các vị trí của mình, các cán bộ cấp cao, nêu cao trách nhiệm, thực hiện tốt điều mong muốn, kêu gọi của Đảng và thực hiện những chỉ đạo của của Tổng Bí thư.

Như thế, chắc chắn sẽ tạo được khí thế cho thực hiện Nghị quyết Đảng trong năm bản lề 2018- năm có ý nghĩa rất quyết định cho Đại hội Đảng XIII sắp tới.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo Minh Hòa
VOV