Những đồ án quy hoạch lỗi thời và bài toán được - mất khi sửa luật

(Dân trí) - Tại cuộc hội thảo về dự án luật Quy hoạch do UB Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 22/2, câu chuyện đụng chạm lợi ích, chuyện “giữ đất”, “lấn sân” giữa các Bộ, ngành một lần nữa được đề cập…

Tại phiên họp hồi tháng trước của UB Thường vụ Quốc hội, đại diện một số Bộ, ngành nêu ý kiến “ngược” còn bị lãnh đạo Chính phủ nhắc nhở, phê bình. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ bức xúc vì những quan điểm bất nhất với nội dung trình của Chính phủ. Tuy nhiên, các lãnh đạo Quốc hội vẫn yêu cầu phải xem xét lại những điểm còn ý kiến “ngược” vì điều đó có nghĩa vẫn chưa đủ sự yên tâm dành cho dự thảo luật.

Tại hội thảo hôm nay, khẳng định luật Quy hoạch lần này “không lấy đi nhiệm vụ chức năng của ai và không ảnh hưởng gì đến hoạt động bình thường của các bộ ngành”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, luật sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường.

“Một trong những điểm mới quan trọng nhất của dự thảo Luật là đặt tính thống nhất trong quản lý nhà nước và hiệu quả sử dụng nguồn lực của quốc gia lên hàng đầu” – Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông khẳng định luật Quy hoạch được xây dựng không lấy sân, lấn đất của Bộ, ngành nào.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông khẳng định luật Quy hoạch được xây dựng không "lấy sân", "lấn đất" của Bộ, ngành nào.

Cho rằng cần có một luật khung trong lĩnh vực quy hoạch, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích, khi quy hoạch được vận dụng trong công tác quản lý nhà nước thì được gọi là “quy hoạch công” hoặc đơn giản là “quy hoạch” và cần được điều chỉnh bằng luật pháp. Luật Quy hoạch được dự thảo nhằm đáp ứng yêu cầu này. Khi nhiều ngành hẹp có liên quan mật thiết với nhau và hình thành hệ thống ngành rộng thì chúng cần được lập quy hoạch phát triển chung một cách đồng bộ để phát huy hiệu quả tối đa trong cùng một quy hoạch, gọi là “quy hoạch tích hợp”.

Vẫn chưa thấy thuyết phục, PGS.TS. KTS Trần Trọng Hanh lật lại vấn đề, dư luận băn khoăn, cân nhắc về những “được” – “mất” với giả thiết luật Quy hoạch lần này được thông qua, áp dụng vào cuộc sống.

“Cái mất là những bất cập, tồn tại, yếu kém của hệ thống quy hoạch lỗi thời hiện nay đang vận hành, đang tạo ra những đồ án quy hoạch “cọc cạch”, đầu Ngô mình Sở. Cái được ở đây là cơ hội để chúng ta cải cách công tác quy hoạch cũ còn vương vấn bởi nền kinh tế quan liêu, bao cấp để chuyển sang thể chế quy hoạch tiên tiến, phù hợp với nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” – ông Hanh nêu quan điểm.

Thống nhất về sự cần thiết làm luật Quy hoạch mới nhưng GS. TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đề cập những điểm vênh đã bộc lộ của dự thảo luật này so với Luật Đất đai hiện hành.

Theo ông Đặng Hùng Võ, dự thảo Luật Quy hoạch cần có quy định cụ thể hơn về quá trình thực hiện tích hợp các loại quy hoạch, trong đó có quy hoạch sử dụng đất, vào phương án quy hoạch tích hợp thống nhất. Trình tự, thủ tục của quá trình tích hợp phải được quy định rõ ràng, mô tả đầy đủ công việc của các cơ quan quản lý ngành, trong đó có cơ quan quản lý đất đai. Mặt khác, khung pháp luật về quy hoạch sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai 2013 cũng cần được điều chỉnh trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.

Thêm tiếng nói từ cơ quan chủ trì soạn thảo luật, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch - Đầu tư Vũ Quang Các phân tích, quy hoạch là một công cụ hết sức quan trọng của nhà nước.

Dự án Luật Quy hoạch ra đời nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động quy hoạch trên cơ sở khắc phục các tồn tại, yếu kém của hoạt động quy hoạch và đổi mới phương pháp, nội dung quy hoạch để đáp ứng được các yêu cầu, thách thức trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, dự án Luật Quy hoạch sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ. Theo đó, nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường.

P.Thảo