Huế:
Nhật hoàng thăm nhà lưu niệm Phan Bội Châu
(Dân trí) - Chiều nay, 4/3, Nhật hoàng cùng Hoàng hậu đến thăm di tích lưu niệm chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu ở đường Phan Bội Châu, TP Huế.
Đặt chân xuống di tích lưu niệm cấp quốc gia Phan Bội Châu, Nhật hoàng cùng Hoàng hậu vẫy tay chào, sau đó đến viếng mộ cụ Phan, thăm di tích tấm bia đá “Tự Minh” do chính tay cụ Phan Bội Châu viết năm 1934. Tiếp theo, Nhà vùa và Hoàng hậu Nhật vào thăm căn nhà ở lúc sinh thời của cụ Phan, được nghe giới thiệu về lịch sử, những hoạt động của cụ Phan Bội Châu cùng những người bạn đã sát cánh bên cụ đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Sau cùng, cả hai sang nhà trưng bày để xem những kỉ vật còn sót lại và tìm hiểu gia phả của nhà chí sĩ yêu nước một thời.
Ông Phan Thiệu Cát (73 tuổi, từ Canada) là cháu nội cụ Phan Bội Châu thuyết minh thêm cho Nhật hoàng về cuộc đời, sự nghiệp của ông mình.
Sau hơn nửa tiếng viếng thăm di tích Phan Bội Châu với sự trân trọng, Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu Michiko lên xe về lại khách sạn, kết thúc phần chính trong kế hoạch chuyến thăm lịch sử tại cố đô Huế.
Nhật hoàng thăm căn nhà xưa của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu
Ngài Hatsuhisa Takashima, Phát ngôn viên đối ngoại, Đại sứ, Trợ lý đặc biệt của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, cụ Phan Bội Châu (1867-1940) là một nhà hoạt động được biết đến rất rộng rãi ở Nhật Bản. Cụ được biết đến là một nhà yêu nước, một nhà hoạt động có tham gia nhiều phong trào cách mạng chống thực dân Pháp và thúc đẩy đặc biệt phong trào được nhấn mạnh trong lịch sử Việt Nam - phong trào Đông Du.
Đây là phong trào khuyến khích những sinh viên và thanh niên Việt Nam đi học tại Nhật Bản để có thể mang những kiến thức của mình về đóng góp xây dựng cho quốc gia. Quá trình hoạt động của cụ Phan Bội Châu ở Nhật Bản nhận được sự hỗ trợ không những của những nhà lãnh đạo chính trị Nhật Bản mà còn của nhiều người thường dân khác nhau thông qua các khoản đóng góp bằng tiền để thúc đẩy phong trào Đông Du.
Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko quan tâm đến từng chi tiết trong Nhà ở cụ Phan Bội Châu, từng sự kiện liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cụ Phan ở Việt Nam và đặc biệt là ở trên đất Nhật. Tuy nhiên điều quan tâm nhiều hơn là mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản được khởi phát từ phong trào Đông Du. Chính cụ Phan là người khởi nguồn, người tạo dựng phong trào này từ năm 1905 đến 1909.
“Nhật hoàng có nói một câu mà chúng tôi rất trân trọng, đó là Muốn di tích Phan Bội Châu trở thành một địa chỉ để cho những người Nhật Bản hiểu được lịch sử mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản mà cụ Phan là một chứng nhân của lịch sử. Chúng tôi rất vui mừng khi Nhật hoàng và Hoàng hậu đến thăm di tích Phan Bội Châu. Sự quan tâm của Nhật hoàng đến Huế, đến di tích Phan Bội Châu chứng tỏ quan hệ Nhật - Việt được thấm sâu, bởi không đơn giản Nhật hoàng chọn một di tích trong số hàng trăm di tích ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến thăm”.
Được biết, tháng 3/1918 gần 100 năm trước đây, cụ Phan đã quay lại Nhật để tìm gặp bác sĩ Asaba Sakitaro ở tỉnh Shizuoka – người bác sĩ nhân hậu đã giúp đỡ rất nhiều cho cụ Phan khi phong trào Đông Du gặp khó khăn. Tuy nhiên, đến Nhật mới hay tin bác sĩ đã mất vì bệnh lao phổi, cụ Phan đã dựng một tấm bia bên mộ của bác sĩ để tưởng nhớ công ơn ngày nào với những dòng chữ Hán dịch nghĩa “Chúng tôi vì quốc nạn, lánh chạy sang Nhật Bản, ông cảm thương cho chí của chúng tôi, giúp chúng tôi lúc cùng khốn, chẳng hề mong báo đáp, rõ thật là người kỳ hiệp xưa nay!...”
Ngày 3/11/2010, những người Nhật hảo tâm đã về lại Huế, tại di tích Phan Bội Châu đã trao tặng một tấm bia đặt bên mộ của cụ Phan Bội Châu nhân 70 năm ngày mất của người chí sĩ yêu nước này và kỷ niệm 100 năm ngày mất của bác sĩ Asaba Sakitaro. Tấm bia đá đề chữ “Bia kỷ niệm quan hệ giao lưu Việt – Nhật từ phong trào Đông Du”.
Chính tình bằng hữu giữa Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba là mạch nguồn cho ra đời bộ phim “Người cộng sự” được chiếu trên truyền hình Việt Nam và Nhật Bản năm 2013.
Theo ông Cao Huy Hùng, do một mối cơ duyên lịch sử của cụ Phan Bội Châu gắn bó dài lâu với đất nước Nhật Bản, nghĩa khí đó được thể hiện bằng chuyến thăm của Nhật hoàng. Đây không đơn thuần là một chuyến thăm di tích lịch sử mà là, sự tìm lại cội nguồn của tình cảm hữu nghị đã được kết nối giữa hai đất nước từ xưa cách đây hơn 1 thế kỷ trước, được đặt bởi “viên đá nền móng” đầu tiên từ nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu tại cố đô Huế.
“Phan Bội Châu, bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả than vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” – Nguyễn Ái Quốc, trích Le Paria Người cùng khổ năm 1925 – dòng chữ ghi dưới bức tượng chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu trong di tích lưu niệm cấp quốc gia Phan Bội Châu.
Đại Dương - Quốc Nhật - Văn Dinh - Quỳnh Nga