Lý do ông Võ Kim Cự được phê chuẩn tham gia Uỷ ban Kinh tế

(Dân trí) - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, đăng ký tham gia các uỷ ban là quyền của đại biểu Quốc hội, ông Võ Kim Cự tham gia UB Kinh tế của Quốc hội là phù hợp, nhưng đại biểu này chắc chắn không tham gia đoàn giám sát Formosa để đảm bảo khách quan…

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định dù là ủy viên UB Kinh tế, ông Võ Kim Cự chắc chắn không được chọn tham gia khi UB này tiến hành giám sát tại Formosa.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định dù là ủy viên UB Kinh tế, ông Võ Kim Cự chắc chắn không được chọn tham gia khi UB này tiến hành giám sát tại Formosa.

Chiều muộn ngày 29/7, ông Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo sau khi bế mạc kỳ họp thứ nhất. Tại đây, khá nhiều câu hỏi liên quan đến ông Võ Kim Cự, đại biểu Quốc hội đương nhiệm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh trong sự liên quan đến cấp phép cho Formosa - thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường biển chưa từng có ở Việt Nam.

Trả lời câu hỏi tại sao ông Võ Kim Cự có trách nhiệm trong việc cấp phép cho Formosa vẫn được phê chuẩn thành viên UB Kinh tế của Quốc hội, ông Phúc phân tích, đây là hai việc khác nhau.

“Đại biểu có quyền đăng ký vào bất cứ ủy ban nào của Quốc hội. Ông Cự là cử nhân tài chính ngân sách, có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, tham gia Uỷ ban Kinh tế là phù hợp” - ông Phúc khẳng định.

Với câu hỏi, việc ông Cự là thành viên Uỷ ban Kinh tế có ảnh hưởng đến hoạt động giám sát Formosa không khi mà ủy ban Kinh tế sẽ giám sát dự án này, Tổng thư ký Quốc hội đáp: “Uỷ ban Kinh tế sẽ phân công , đoàn giám sát có nhiều thành phần nhưng chắc chắn không có ông Cự để đảm bảo khách quan”.

Nói về việc cựu Bí thư tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm đối với những vấn đề xảy ra tại Formosa, Tổng thư ký Quốc hội giải thích, đương nhiên việc cho Formosa thuê đất 70 năm thanh tra đã nói là không đúng thẩm quyền. Bản thân ông Cự cũng đã thừa nhận việc này. UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản báo cáo về việc cấp phép với thời hạn 70 năm với nhà đầu tư này, Bộ kế hoạch - Đầu tư đã vào xem xét và thấy có đủ điều kiện để cho doanh nghiệp thuê đất với thời hạn dài như thế.

Với câu hỏi có ý kiến đề nghị xem xét tư cách đại biểu của ông Võ Kim Cự, ông có bình luận gì, ông Phúc cho biết sau này cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm thì mới có xem xét cụ thể được.

Tiếp tục nhận được đề nghị bình luận về báo cáo riêng về ô nhiễm môi trường biển miền Trung được Chính phủ gửi đến Quốc hội, ông Phúc nhận xét báo cáo khá đấy đủ, đánh giá rõ việc đầu tư, quản lý tác động môi trường, hậu quả thế nào nguyên nhân làm sao, và chỉ rõ vi phạm 53 lỗi tất cả.

Ông Phúc nhận xét: “Formosa cũng đã cam kết đền bù 500 triệu đô rồi, là mức cao”.

Tổng thư ký Quốc hội cũng cho rằng, Formosa là bài học đắt giá, qua đây cần kiểm soát chặt chẽ các nhà thầu để không có chuyện tương tự như Formosa.

Một câu hỏi khác được đặt ra, ô nhiễm môi trường, trong đó có vụ việc tại Formosa rất nghiêm trọng mà vấn đề này đã không được chọn cho giám sát tối cao mà chỉ được giao cho một ủy ban của Quốc hội, như vậy có phải là xem nhẹ nhân dân hay không?

Trả lời câu hỏi này, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, không thể đặt vấn đề xem nhẹ hay là không coi trọng. Vì giám sát cấp ủy ban chức năng cũng là 1 trong 5 cấp độ giám sát và hoạt động giám sát ở cấp độ nào cũng đều có giá trị pháp lý.

P.Thảo