Kinh tế “xanh” định hướng cho phát triển tại Châu Á - Thái Bình Dương

(Dân trí) - Kết thúc ngày làm việc thứ 2, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), lãnh đạo các nghị viện thành viên thảo luận về việc nỗ lực cải thiện tính cạnh tranh, xây dựng nền kinh tế thân thiện với môi trường, nhận thức tốt hơn về hoạt động kinh tế “xanh”...

Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ phát biểu đề dẫn tại phiên họp toàn thể về kinh tế và thương mại, APPF 26.
Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ phát biểu đề dẫn tại phiên họp toàn thể về kinh tế và thương mại, APPF 26.

Tại phiên toàn thể về “các vấn đề kinh tế và thương mại”, phát biểu đề dẫn đại biểu Quốc hội, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vương Đình Huệ cho rằng, trong hơn nửa thế kỷ qua, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực của kinh tế thế giới, một phần chính là nhờ hợp tác liên kết kinh tế sâu rộng và tận dụng được những tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là vai trò quan trọng của khu vực nông nghiệp và hệ thống doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Thực tiễn Việt Nam và nhiều nước cũng đã chỉ ra tầm quan trọng của các “bộ đệm” này, nhất là trong những thời kỳ tình hình quốc tế, khu vực biến động mạnh như khủng hoảng tài chính khu vực, toàn cầu.

Nhấn mạnh thế giới ngày nay đang biến chuyển sâu sắc trên nhiều phương diện dưới sự tác động mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như sức ép cạnh tranh địa chính trị giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải đổi mới trong tư duy phát triển và đẩy mạnh liên kết, hợp tác trên nhiều phương diện, trọng tâm là vai trò của Nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số.

Theo Phó Thủ tướng, tình hình khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ với những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra yêu cầu mới đối với các chủ thể kinh tế tham gia, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp.

Thách thức đó đòi hỏi nỗ lực của chính doanh nghiệp và những thay đổi cần thiết trong thể chế và quản trị quốc gia. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần được đào tạo các kỹ năng cần thiết, có tư duy mới về cạnh tranh dựa trên nền tảng công nghệ mới, số hóa và phát triển những hướng kinh doanh mới như thương mại điện tử, cả trong phạm vi quốc gia và xuyên quốc gia.

Đề cập tới sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối trong khu vực, trong đó ở Việt Nam chiếm đến 97%, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp này vừa phải nỗ lực cải thiện khả năng cạnh tranh, vừa phải thân thiện với môi trường, nhận thức tốt hơn về lợi ích từ hoạt động kinh tế “xanh” để định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ phù hợp, tránh rủi ro tiềm ẩn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp vừa phải nỗ lực cải thiện khả năng cạnh tranh, vừa phải thân thiện với môi trường, nhận thức tốt hơn về lợi ích từ hoạt động kinh tế “xanh”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp vừa phải nỗ lực cải thiện khả năng cạnh tranh, vừa phải thân thiện với môi trường, nhận thức tốt hơn về lợi ích từ hoạt động kinh tế “xanh”.

Các doanh nghiệp này cần được hỗ trợ phù hợp để tuân thủ và đáp ứng tốt hơn các chuẩn mực quốc gia và quốc tế, đặc biệt cần có chiến lược và giải pháp cụ thể tham gia vào các mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Ở tầm vĩ mô, cần tăng cường đối thoại, trao đổi, hợp tác để các chuẩn mực quốc tế, trong đó có quản trị, công nghệ và môi trường, trở thành động lực chứ không phải rào cản đối với sự phát triển.

Để hóa giải những thách thức, biến cơ hội, tiềm năng thành lợi thế, Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải nhận thức rõ rằng, khác biệt về góc nhìn không phải là trở ngại mà chính là cơ hội để tăng cường đối thoại, củng cố hợp tác, hành động chung vì tương lai của khu vực.

Thượng nghị sỹ Cananada Yeun Paul Woo cho rằng, APEC là nền kinh tế phát triển, có nhiều khu thương mại trong lĩnh vực này. với những thách thức hiện nay, APEC và APPF phải chú ý hơn nữa ngăn chặn tình trạng này. Giữa APEC và APPF, cần phải có cơ chế để truyền tải nội dung của APEC với APPF, và khi thông qua các dự luật phải tính đến các nghị quyết thông qua tại diễn đàn này, cụ thể hóa những nghị trình của APPF tại từng quốc gia.

Trong khi đó, Nghị sỹ Campuchia Nhem Thavy cho rằng, thế giới đang chứng kiến những thay đổi chưa từng có. Sự hợp tác, tăng trưởng kinh tế cũng đang diễn ra rất nhanh chóng, nhưng nếu chúng ta có hànhh động thiết thực và đúng đắn thì có thể nắm được lợi ích của việc hội nhập để có thể nâng cao vai trò của Quốc hội, thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn. Do đó phải xem xét các biện pháp phù hợp để có thể kết nối kinh tế trong khu vực và trên toàn thế giới.

Để đối mặt với thách thức chung như sự tác động của biến đổi khí hậu, cần có những tư duy đổi mới, phương pháp mới, huy động nguồn tài chính đầy đủ để thực hiện dự án và cần có sự tham gia của giới doanh nghiệp, giới tư nhân cũng như các tổ chức ngoài nhà nước, có sự hợp tác với Chính phủ để phát triển các dự án hợp tác trong tương lai.

P.Thảo