“Hỏi dân để biết trong Trung ương đồng chí nào… chưa bị lộ”

(Dân trí) - Nguyên uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng đặt vấn đề, tới đây bản thân Trung ương, trong đó có các cơ quan chức năng như UB Kiểm tra phải biết được còn những đồng chí nào “chưa bị lộ” trong Trung ương…

Bí thư “tròn trĩnh” thì… vứt đi

- Việc bố trí Bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương đang nhận được sự tán thành cao từ Trung ương khi thảo luận về Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Ông đánh giá thế nào về khả năng giải pháp này giúp chặn tình trạng kết bè, kéo cánh, thân quen, cánh hẩu…?

- Thực ra chủ trương này không có gì mới. Từ xa xưa ông cha ta đã áp dụng như thế. Phương án này là tốt, tôi ủng hộ nhưng nhược điểm của nó là nếu như con người tâm không tốt thì dù là người địa phương hay ở nơi khác về thì vẫn vụ lợi.

Cái mà người dân quan tâm nhất là chuyện lãnh đạo hay vun vén cá nhân, xây biệt phủ, bằng các hình thức “tế nhị” đưa con cái vào bộ máy. Nếu như anh từ một địa phương khác đến, không có người thân quen ở đấy, hoặc có thân quen nhưng không họ hàng thì dù sao anh cũng thanh thản hơn khi xử lý các vấn đề cá nhân mà có thể là mầm mống cho sự vụ lợi.

Tuy nhiên, nếu có ý đồ xấu thì cán bộ cũng có thể kết nối nhau lại để kiếm chác hoặc tìm cách mặc cả với nhau “ông giúp con tôi, tôi sẽ giúp lại ông”. Tất cả những vấn đề đó Trung ương cần cân nhắc, tính toán để ngăn chặn trước sai phạm, để không sai ngay từ quy định, để cán bộ khi thực hiện chủ trương đó không có điều kiện mà vụ lợi, mà đánh mất mình.

- Một ý kiến phản biện đáng phải suy nghĩ là tư duy nhiệm kỳ dễ xuất hiện ở một Bí thư về địa phương khác công tác. Cán bộ đó sẽ có tâm lý chỉ là “sống gửi” chờ thăng tiến tiếp, nên cần tròn trịa để lấy lòng, lấy sự ủng hộ từ địa phương. Điều đó lại vẫn dẫn đến nể nang, duy tình khi đưa ra các quyết định?

- Điều đó cũng có thể lắm, vì tư duy nhiệm kỳ nên sống tròn trĩnh, thoả thuận kiểu ta không đụng đến ngươi, ngươi không đụng đến ta để rồi hết một nhiệm kỳ ta về và nhận về những nhận xét cũng rất… tròn trĩnh.

Tuy nhiên, tới đây Trung ương cũng phải tính tới việc đánh giá cán bộ bằng thành quả, kết quả công tác. Như thế thì có “tròn” cũng không được. Khi về làm lãnh đạo ở địa phương rồi, anh phải tạo ra được một đội ngũ cán bộ trong sạch, hành động. Người cán bộ phải làm cho địa phương đó mạnh lên, mà mạnh lên trước hết là tạo ra một đội ngũ cán bộ đoàn kết, nhất trí, còn làm Bí thư mà cứ giữ tròn, đóng cửa lại thì chỉ có… vứt đi.


Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng

Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng

Ai là người “chưa bị lộ” trong Trung ương?

- Kiểm soát quyền lực vốn là mục tiêu quan trọng của đề án. Ông đánh giá thế nào về việc thiết kế lồng để “nhốt” được quyền lực ở đây?

- Tôi thấy nếu các quy định của Trung ương nếu thực hiện nghiêm chỉnh thì sẽ “nhốt” được quyền lực. Bây giờ phải chọn người “chụp” được lồng lên quyền lực, giám sát và khoá được quyền lực ấy. Lịch sử dân tộc mình trải qua rất nhiều thời đại, rất nhiều vị vua mà những vua thanh liêm đều làm được cái việc là thu phục nhân tâm, đó chính là người chụp lồng “nhốt” quyền lực lại đấy.

Hội nghị Trung ương này không phải là bàn sáng tạo ra các loại khẩu hiệu mà là bàn tạo ra các loại công cụ, các quy định, thể chế, tạo nền tảng, sản xuất ra các “lồng” nhốt quyền lực. Nhưng cũng cần phải đào tạo được những người sử dụng các “lồng” quyền lực ấy. Đó chính là các cán bộ cấp chiến lược, vì vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người.

Tiêu chí của người cán bộ bây giờ quy định ngày càng cụ thể, lần này còn cụ thể hơn nên tôi tin là làm được.

- Vậy theo ông, với đề án về cán bộ cấp chiến lược lần này, người dân có quyền tin rằng đất nước có sẽ có được một đội ngũ tinh hoa không?

- Trung ương đang bàn chuyện đó.Tất cả những người họp hội nghị đang bàn việc làm thế nào để chọn được tinh hoa của đất nước, còn tất cả những người ngồi đó hiện có phải là tinh hoa không thì cần bằng thực tế chứng minh và hỏi dân thì mới biết được.

Những “đồng chí đã bị lộ” vừa qua chính là những người không xứng đáng. Còn giờ có những người trong Trung ương có phải “chưa bị lộ” không thì chưa biết được. Bản thân Trung ương, trong đó có các cơ quan chức năng, như UB Kiểm tra Trung ương tới đây phải biết được điều đó. Mà muốn biết thì phải hỏi dân. Không gì qua mắt người dân được.

- Ông vừa nói đến hiện tượng cán bộ không xứng đáng lọt vào Trung ương nay mới lộ, mới bị phát hiện. Có ý kiến cho rằng đó là do công tác kiểm tra Đảng trong giai đoạn vừa qua đã bị buông lỏng, thực hiện không nghiêm. So với thời ông còn làm, ông đánh giá thế nào về công tác kiểm tra hiện nay?

Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng có thể thấy thời chúng tôi làm, các quy định đều còn rất sơ khai, chưa nhiều. Khi đó cơ chế thị trường cũng chưa đi sâu vào đời sống, đồng tiền và sức quyến rũ của nó cũng chưa sâu đậm như bây giờ nên các sai phạm của cán bộ cũng còn ở mức hạn chế thôi.

Khi đó chúng tôi thấy gì cũng làm ngay, chúng tôi rất lắng nghe mọi người và khi thấy có vấn đề, dư luận gì đều đưa ra đặt lên bàn nghị sự để xem xét. Vậy nên có nhiều việc chúng tôi đã kịp thời ngăn chặn, không để nó xảy ra nữa.

Nhưng cũng phải nói công tác kiểm tra giám sát không chỉ của UB Kiểm tra mà là công tác của Đảng, trước tiên là cấp uỷ và Bí thư cấp uỷ các cấp là người đầu tiên phải ra tay.

Vậy ông ý kiến thế nào về hướng đề xuất tăng cường thẩm quyền cho cơ quan kiểm tra đảng như một giải pháp củng cố việc quản lý, kiểm soát cán bộ?

Tăng thẩm quyền cũng là hướng tốt, để quyền quyết định của cơ quan kiểm tra trực tiếp hơn, không qua “cầu cấp” nữa. Nhưng việc đó cũng cần tính nhiều chiều. Muốn tăng thẩm quyền thì UB kiểm tra các cấp cũng phải có trách nhiệm rất cao.

Hiện tại, muốn xử lý kỷ luật một uỷ viên Trung ương cần phải thông qua Ban chấp hành Trung ương, kỷ luật cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì UB Kiểm tra Trung ương chỉ có thể đề nghị. Vậy nếu có hình thức nào đó để UB Kiểm tra có thể làm được việc đó luôn thì sẽ đỡ “cầu cấp”.

Nhưng thực ra, việc đó cũng không quá phức tạp, nhiêu khê. Vấn đề không phải là “xử” thật nặng mà là chỉ ra được sai phạm của cán bộ. Đó là bước cơ bản.

Làm cán bộ phải có liêm sỉ

- Trong đề án cán bộ chiến lược cũng đặt ra mục tiêu sau Hội nghị 7 này sẽ hình thành được văn hoá nói không với chạy chức chạy quyền, văn hoá từ chức mà hiện không mấy cán bộ mặn mà?

- Văn hoá từ chức tôi rất ủng hộ. Tôi đã nhấn mạnh cán bộ phải có liêm sỉ, khi không làm được việc nữa thì nên từ chức, nói rõ lý do vì sức khoẻ, vì trình độ hay vì mất uy tín. Nên làm như thế. Việc này trên thế giới có gì ghê gớm đâu. Cần có quy định khuyến khích những người không làm được việc từ chức, bên cạnh những quy định về cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm…


Ông Vũ Quốc Hùng: Vướng mắc của việc từ chức là ở lòng tự trọng thôi

Ông Vũ Quốc Hùng: "Vướng mắc của việc từ chức là ở lòng tự trọng thôi"

- Vậy cơ chế hiện tại có gì cản trở việc từ chức của lãnh đạo không mà ít người lựa chọn con đường danh dự này vậy, để một Thứ trưởng sau khi nhận án kỷ luật mới nộp đơn xin nghỉ việc, một Phó Bí thư tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phải đợi đến khi bị kỷ luật mới có đơn xin thôi đại biểu?

-Thực ra tôi thấy cơ chế không có gì vướng mắc cả. Vướng mắc là ở lòng tự trọng thôi. Nếu tôi là người đó tôi phải báo cáo tổ chức, tôi biết mình như cá nằm trên thớt rồi mà vẫn còn mang tư cách đại biểu đi tiếp xúc cử tri thì không phải chỉ là mang bản thân đi làm trò cười mà còn biến cả tổ chức thành trò cười nữa. Đáng ra phải xin vắng mặt cuộc tiếp xúc cử tri và thông báo đã viết đơn xin thôi Quốc hội rồi, thế mới đúng chứ.

Trong Đảng ta thời cải cách ruộng đất cũng có một số cán bộ từ chức rồi đấy chứ, như ông Hoàng Quốc Việt xin rút khỏi Bộ Chính trị, ông Hồ Viết Thắng xin thôi Thường vụ Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Trường Chinh xin từ chức....

- Xin cảm ơn ông!

P.Thảo