Giao nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy?
(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Công an nhận định, các sự cố, tai nạn xảy ra trong thực tế bấy lâu nay chủ yếu diễn ra trên đất liền, có tính đột xuất, chưa tới mức “thảm họa” và đều thuộc trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, chưa cần điều phối lực lượng khác tham gia…
Chiều 21/3, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.
Theo tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Công an – Trung tướng Bùi Văn Thành trình bày, hiện nay, tại các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đô thị mới tập trung nhiều công trình cao tầng, phức hợp với tính chất ngày càng đa dạng và quy mô ngày càng lớn. Mặt khác, các diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết trong những năm qua làm cho nguy cơ xảy ra các sự cố, tai nạn, cháy, nổ... gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân ngày càng phức tạp, nghiêm trọng hơn.
Theo số liệu thống kê của các Bộ, ngành, từ năm 2001 đến hết năm 2015, trên cả nước đã xảy ra 444.000 vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều sự cố khác, làm chết gần 178.000 người, bị thương 343.000 người.
Lãnh đạo Bộ Công an nhận định, các vụ việc này chủ yếu là các sự cố, tai nạn diễn ra trên đất liền, có tính đột xuất, chưa tới mức “thảm họa” và đều thuộc trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, chưa cần thiết huy động lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ lớn theo sự điều phối của UB ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
“Thực tế cho thấy, ngay cả đối với các sự cố, thiên tai thuộc trách nhiệm điều phối của UB Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn thì lực lượng phòng cháy và chữa cháy cũng là lực lượng nòng cốt, trực tiếp thực hiện các hoạt động cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố này” – Tướng Thành nói.
Cơ quan soạn thảo Nghị định nêu lý lẽ, trong tình hình thực tế như vậy, các quy định pháp lý về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy lại chưa đủ hiệu lực, chưa cụ thể về tổ chức, hoạt động cứu nạn, cứu hộ, các điều kiện bảo đảm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ cũng chưa phân định dẫn đến tình trạng bị động, lúng túng trong việc phối hợp giữa các lực lượng tham gia, không phát huy được tính chủ động trong công tác phòng ngừa, xử lý khi có sự cố, tai nạn xảy ra, nhất là vấn đề thống nhất chỉ huy, điều hành trong công tác cứu nạn, cứu hộ.
Thứ trưởng Bùi Văn Thành cũng phân tích, các quy định hiện hành cũng chưa trao thẩm quyền cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy được huy động lực lượng, phương tiện của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia cứu nạn, cứu hộ. Trong tình thế cấp thiết, cũng chưa có quy định để lực lượng này được sử dụng quyền quyết định phá dỡ nhà, công trình, chướng ngại vật và di chuyển tài sản khi cứu nạn, cứu hộ. Việc đó dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức cứu nạn, cứu hộ tại các sự cố, tai nạn xảy ra trong thời gian vừa qua...
Sự cố ở sông ở biển, ngồi chờ lực lượng chữa cháy đến cứu hộ?
Tán thành hướng đặt vấn đề của lãnh đạo Bộ Công an, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhận xét, các tai nạn, vụ việc cần cứu hộ xảy ra gần đây cho thấy, địa bàn chính của hoạt động cứu nạn là ở các thành phố, nhất là trong bối cảnh đô thị hoá mạnh mẽ hiện nay, từ việc xử lý cháy nổ tới cứu người kẹt trong thang máy…
Lực lượng công an, cụ thể là bộ phận phòng cháy chữa cháy làm cơ quan chủ trì hoạt động cứu hộ, cứu nạn được ông Bình đánh giá là hợp lý. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB này cũng gợi ý mở rộng đối tượng, cho phép tư nhân làm dịch vụ cứu hộ, cứu nạn trong thành phố lớn khi nhà nước không đủ lực đáp ứng nhu cầu.
Ngược lại, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải lại băn khoăn, nếu giao nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn cho cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thì phải đầu tư, trang bị thêm rất nhiều cho lực lượng này, cả về con người, phương tiện. Trong khi đó, những tai nạn thường xảy ra cần đến cứu hộ, cứu nạn lại là sập hầm, chìm tàu, chìm phà…
“Việc xảy ra ở cửa sông, cửa biển chẳng hạn, không thể chờ phòng cháy chữa cháy chạy đến mà lực lượng tại chỗ lúc nào cũng có thường xuyên túc trực ở đó chính là biên phòng, còn với khu vực vùng sâu, vùng núi lại phải trông vào lực lượng bộ đội công binh…” – ông Hải nhận định.
Theo ông Hải, trách nhiệm phòng cháy chữa cháy là của mọi công dân, tổ chức. Ở mỗi tập thể, công trình lớn đều phải có các phương án xử lý sự cố này, không thể chỉ trông chờ vào lực lượng công an phòng cháy chữa cháy. Ông Hải đề nghị huy động trách nhiệm của mọi tổ chức, công dân tham gia việc cứu nạn, cứu hộ, xã hội hoá để coi đó là nhiệm vụ của toàn dân.
Giải trình thêm, Thứ trưởng Bùi Văn Thành cho rằng, các vụ việc cần cứu hộ, cứu nạn, từ việc giải cứu người kẹt trong nhà cháy, trên nóc nhà, cột điện, người nhảy cầu tự tử, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã đang làm bấy lâu nay. Việc quy định nhiệm vụ cho lực lượng này, theo đó, chỉ là để có một đầu mối chỉ huy tập trung khi có tai nạn thực tế xảy ra.
“Bộ Công an cũng cam kết không tăng bộ máy, biên chế, tổ chức khi thực hiện Nghị định này. Còn sự phối hợp giữa các thành phần là hết sức cần thiết, Bộ Công an xin tiếp thu triệt để các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị định” – Tướng Thành hứa.
P.Thảo