Đà Nẵng được hưởng cơ chế đặc thù nhưng thấp hơn Hà Nội, TPHCM
(Dân trí) - UB Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với đề xuất quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng ở mức thấp hơn so với cơ chế được hưởng của Hà Nội, TPHCM.
Chiều 11/7, Chính phủ trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội về cơ chế đặc thù với TP.Đà Nẵng.
Vấn đề đầu tiên Chính phủ xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến tổng mức huy động vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành, mức huy động tối đa của các địa phương không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh. Riêng hai thành phố HCM và Hà Nội, mức huy động vốn đầu tư trong nước của theo cơ chế đặc thù là 150%.
Chính phủ trình đề nghị UB Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định nâng mức dư nợ nguồn vốn huy động tối đa từ 30% lên 100%. Khi Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của luật này.
Thẩm tra vấn đề này, UB Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc nâng mức dư nợ vay lên 100% cũng chỉ tương đương với mức dư nợ vay không quá 30% tổng số thu thành phố Đà Nẵng được hưởng theo phân cấp quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Đà Nẵng áp dụng mức dư nợ vay này từ năm 2017.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng thực hiện từ năm 2017 là hợp lý.
Sau khi cân nhắc, UB Thường vụ Quốc hội thống nhất nâng mức dư nợ vay của Đà Nẵng lên không quá 40%, tức là cao hơn quy định của luật 10% và thấp hơn hai thành phố Hà Nội, HCM 20%.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: “Đà Nẵng xứng đáng được hưởng cơ chế đặc thù, nhưng chỉ mở mức độ nào đó, chứ không thể bằng Hà Nội và HCM được. Không nên vung tay quá trán”. Việc nâng mức trần dư nợ từ 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Đà Nẵng lên 100%, theo Chủ tịch Quốc hội là khá lớn.
Đồng ý quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, nếu vung tay cao mà nợ công tăng cao thì Đà Nẵng cũng sẽ phải chịu hậu quả.
Vấn đề “thưởng” tăng thu, Chính phủ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung quy định: ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu tương ứng 70% số tăng thu các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước) và phần vượt thu các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100%.
UB Thường vụ Quốc hội khoá XIII họp phiên sau cùng của nhiệm kỳ.
Bộ trưởng Tài chính giải thích, vấn đề này chưa có trong quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, chỉ có vấn đề này là đặc thù nếu được quyết. Mặc dù dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng còn thể hiện nhiều nội dung, nhưng các nội dung đó thì đều phải thưc hiện theo luật. Mà đã theo luật thì không còn là đặc thù nữa.
Có mặt tại phiên họp, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề nghị, dự thảo Nghị định nên “chốt cứng” con số thưởng vượt thu ngân sách là 70%. “Nếu ghi không quá 70%, không cố định con số thì sẽ rất vất vả cho thành phố sau này”, ông Thơ nghi ngại.
Đồng ý dự thảo Nghị định sẽ chốt phương án cho phép Đà Nẵng được hưởng cơ chế thưởng vượt thu ngân sách là 70%, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội - Phùng Quốc Hiển lưu ý, khoản tiền này nhất định Đà Nẵng phải trình Chính phủ để cơ quan điều hành cân đối.
“Có tiền mới trình được chứ không có tiền cũng chịu. Thực tế, ngay Hà Nội hay TP HCM cũng chưa bao giờ đạt được mức tối đa”, ông Hiển chốt lại.
Con số 70% ở phần này, theo đó, được UB Thường vụ Quốc hội nhất trí.
P.Thảo