Chuyện mua bán chức quyền và... “nỗi đau nửa ruột”

(Dân trí) - “Chuyện mua/bán chức quyền hiện trở thành câu nói đầu lưỡi của một số cán bộ, Đảng viên hiện nay. Tổng Bí thư cũng đề cập việc nghe dư luận nói về chuyện này mà… đau nửa ruột” – ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam nêu lên.

Chuyện “mua bán” hiện ở mức độ nào?

Ông Nguyễn Túc: Trung ương cần đánh giá cụ thể chuyện mua bán chức quyền hiện đến đâu, ở mức nào.
Ông Nguyễn Túc: "Trung ương cần đánh giá cụ thể chuyện mua bán chức quyền hiện đến đâu, ở mức nào".

Ông Túc bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới việc Trung ương đang thảo luận về đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Ông Túc phân tích, Từ đại hội VIII, Đảng đã đặt ra vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Nghị quyết khi đó đưa ra một số tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ trong bối cảnh ấy. Từ đó đến nay, qua 20 năm thực hiện, có thể thấy công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược được đẩy mạnh hơn. Đội ngũ được luân chuyển và thử thách ở các địa bàn khác nhau qua các hình thức luân chuyển. Chính việc thực hiện Nghị quyết TƯ 3 khóa VIII từ đó đến nay, đất nước đã có đội ngũ cán bộ đông đảo có thể đáp ứng được một phần quan trọng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, đã góp phần tích cực vào hoàn thành nhiệm vụ từ đại hội VIII đến đại hội XII.

Tuy nhiên, vị ủy viên Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhận định, sau một thời gian thực hiện, đến nay, thực tế đã phát sinh một loạt những vấn đề. Đề án trình ra Trung ương kỳ này là để tổng kết, bổ sung, làm cho công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược được hoàn chỉnh hơn.

Nhắc lại về nhận định “một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên thoái hoá, biến chất” đã tồn tại từ khoá VIII tới khoá XII này, ông Nguyễn Túc phân tích, thực tế những vụ án đã xử vừa qua và nhiều vụ sắp xử tới đây cho thấy phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ rất có vấn đề. Biểu hiện tư lợi, vun vén cho bản thân gia đình, mưu tính lợi ích cá nhân bộc lộ rõ.

“Lần này, Trung ương cần đánh giá cụ thể chuyện mua bán chức quyền hiện đến đâu, ở mức nào. Chuyện mua/bán chức quyền hiện trở thành câu nói đầu lưỡi của một số cán bộ, Đảng viên hiện nay. Tổng Bí thư cũng đề cập việc nghe dư luận nói về chuyện này mà… đau nửa ruột” – ông Túc nhấn mạnh.

Ông cũng kỳ vọng, định hướng của đề án hướng đến đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thì cần có hệ tiêu chuẩn đạo đức phù hợp trong điều kiện kinh tế thị trường, để làm sao Đảng chọn được đúng những người công tâm, vì dân, vì nước, tuyệt đối trung thành.

“600 cán bộ chiến lược ấy phải cố gắng đào tạo, rèn luyện thật tốt về bản lĩnh chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, để có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu cho thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, đặc biệt là sang thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” – uỷ viên Đoàn Chủ tịch MTTQ nhấn mạnh.

Cán bộ địa phương phải “chạy” Trung ương để được ở lại

Ông Lê Nam: Cán bộ chiến lược phải “chạy” Trung ương thì mới được ở lại địa phương chứ.
Ông Lê Nam: "Cán bộ chiến lược phải “chạy” Trung ương thì mới được ở lại địa phương chứ".

Chung quan điểm này, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá Lê Nam cũng nêu yêu cầu, đề án cần “cập nhật” những yếu tố như điều kiện kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Ông Nam nhắc lại những nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tình trạng “gay go” hiện nay là chuyện “chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy năm”. Hậu quả tệ hại của những việc đó giờ đã bộc lộ qua những vụ án tham nhũng.

“Các cán bộ cấp cao được giao nhiệm vụ rất lớn, giữ cương vị đứng đầu ở các bộ ngành, địa phương nhưng lại mắc khuyết điểm nghiêm trọng, khiến lòng tin của người dân bị suy giảm. Ngay cả cán bộ ở nơi tôn nghiêm nhất là cơ quan bảo vệ pháp luật như trong ngành Công an cũng mắc sai phạm. Bức tranh chất lượng và thực trạng về cán bộ cấp chiến lược đang nghiêm trọng” – ông Nam đánh giá.

Từ hiện tượng, theo ông Nam, có thể nhận định là những giải pháp về công tác cán bộ đặt ra không đi vào cuộc sống, không giúp ngăn chặn tình trạng suy thoái mà sự diễn biến trong lớp cán bộ cấp cao những năm qua ngày càng trầm trọng hơn. Việc “bắt mạch” đã đúng nhưng đơn thuốc, phác đồ trị bệnh lại chưa đúng, phương thức quản lý vẫn như thời bao cấp dẫn đến những kẽ hở, thậm chí còn nhiều cơ chế “tạo điều kiện” thúc đẩy việc làm sai của cán bộ.

Nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hoá bày tỏ quan tâm với đề xuất quy định Bí thư cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương để ngăn chặn tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ.

Ông Nam phân tích, từ xưa thời Lê đã có chuyện điều chuyển để quan lại không phải là người địa phương, vì sử dụng cán bộ tại chỗ dễ “dây mơ rễ má”, vậy nên mới có chuyện “thường vụ họ ta”. Vấn đề này Đảng đã thấy, đã bàn nhưng việc thực hiện các quy định để ngăn chặn lại theo kiểu “đẽo cày giữa đường” nên không khả thi, hiệu quả.

“Câu chuyện Bí thư, Chủ tịch tỉnh, rồi trưởng một số ngành không phải người địa phương Trung ương đã bàn lâu rồi nhưng chưa thấu đáo nên cuối cùng thế nào người ta cũng vẫn “chạy” được. Người ta không muốn đi, muốn ở lại địa phương thì có tình trạng “chạy” để ở lại. Mà cán bộ chiến lược phải “chạy” Trung ương thì mới được ở lại địa phương chứ” – ông Nam kiến nghị, quan trọng là giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, từ Tổng Bí thư tới các cơ quan lãnh đạo của Trung ương Đảng phải cương quyết chỉ đạo thực hiện các cơ chế, quy định đề ra.

P.Thảo