Chủ tịch Quốc hội: Chọn đúng và trúng vấn đề để giám sát

(Dân trí) - Sáng ngày 26/8, tại Nam Định, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ lần thứ nhất nhiệm kỳ 2016-2021.

Đoàn đại biểu Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh.

Với chủ đề “Giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh theo Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015” với 5 nội dung được bàn luận:

Thứ nhất, kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp và phiên họp của Thường trực HĐND.

Thứ hai, kinh nghiệm xây dựng và triển khai chương trình giám sát chuyên đề.

Thứ ba, giải pháp nâng cao chất lượng tiếp công dân của đại biểu HĐND, chất lượng giám sát của Thường trực HĐND đối với việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và việc thực hiện giải quyết kiến nghị của cử tri.

Thứ tư, việc kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực tham mưu, giúp việc của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố.

Thứ năm, kinh nghiệm đào tạo nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND.

Tại hội nghị, bên cạnh những mặt tích cực, đại biểu đại diện Thường trực HĐND các tỉnh như Bắc Ninh, Ninh Bình đã nêu một số tồn tại, bất cập trong về bộ máy HĐND hiện nay, nổi bật là tình trạng thiếu nhân lực tại HĐND các tỉnh hiện nay gây khó khăn trong việc giám sát.

Về ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: "Với trách nhiệm xem xét, phân bổ nguồn lực, với địa phương khó khăn, Quốc hội sẽ ủng hộ và kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo nguồn lực phân bổ hợp lý. Vẫn trong chủ trương chung là không tăng biên chế, nhưng sẽ điều hòa biên chế giữa HĐND và UBND để HĐND có đủ người làm việc”.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: “Hội đồng nhân dân cần phải chọn đúng và trúng vấn đề để giám sát. Cải tiến phương thức giám sát để đảm bảo giám sát có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn. Đổi mới phương thức chất vấn và trả lời chất vấn nhằm nâng cao tính thiết thực và hiệu quả của hoạt động chất vấn, đề cao trách nhiệm của các cơ quan trả lời chất vấn, chú trọng đến hậu giám sát để đảm bảo các Nghị quyết giám sát của HĐND phải được thực thi trên thực tế”.

Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ lần thứ nhất nhiệm kỳ 2016-2021.
Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ lần thứ nhất nhiệm kỳ 2016-2021.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ việc cần chú trọng vai trò chỉ đạo, điều hòa phối hợp của Thường trực HĐND đối với các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, kiện toàn Văn phòng HĐND theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm không chồng chéo; cần quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND, đội ngũ cán bộ và chuyên viên của Văn phòng HĐND.

Trong chiều ngày 26/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định về kết quả công tác xây dựng Đảng và tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Về công tác xây dựng Đảng, kiện toàn cán bộ chủ chốt, công tác phân công, phân nhiệm sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII... đã đi vào nền nếp. Tỉnh Nam Định đã tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, xây dựng chương trình làm việc toàn khóa một cách bài bản. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp được thực hiện thành công, nghiêm túc và đúng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được trên lĩnh vực Giáo dục-Đào tạo, với việc liên tiếp giữ vững thành tích 22 năm liền nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thu được kết quả nổi bật với 112 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 54%)… Sáu tháng đầu năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Nam Định ước tăng 6,5%, cao hơn so với bình quân của cả nước. Thu hút đầu tư đạt trên 383 tỷ đồng và 117 triệu USD, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định tiềm năng lợi thế của Nam Định sở hữu chính là dân số, đất đai, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, có chất lượng. Tỉnh Nam Định đã có định hướng chiến lược nhằm tạo bước đột phá trong phát triển, quy hoạch 9 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp, 100 làng nghề với đầy đủ hạ tầng điện, nước, viễn thông và các dịch vụ khác. Nam Định cũng đã giới thiệu chính sách ưu đãi đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, công khai các cơ chế ưu đãi và danh mục dự án ưu tiên đầu tư... Tuy nhiên, kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Nam Định vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà Nam Định đang sở hữu.

Về các đề xuất, kiến nghị của Nam Định liên quan đến việc xây dựng tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình; Trung tâm lễ hội thuộc Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích, lịch sử, văn hóa Đền Trần-Nam Định; tuyến đường bộ ven biển đi qua 6 tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là những chủ trương đúng đắn nhằm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, tỉnh cần rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn, xem xét để lựa chọn công trình, dự án đầu tư để chủ động nguồn vốn, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư.

Đức Văn