Chính phủ “thúc” Bộ Công an đẩy tiến độ điều tra vụ án tại PVC
(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc triển khai các công việc sau Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV. Những chỉ đạo ráo riết nhất của lãnh đạo Chính phủ là về vấn đề chống tham nhũng…
Cụ thể, Bộ Công an được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài.
Bộ này phải tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và Ban Nội chính Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ việc, vụ án phức tạp, kéo dài.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc, vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cũng là một nhiệm vụ lãnh đạo Chính phủ lưu ý với Bộ Công an.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ này cần chỉ đạo điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm tại 3 dự án: Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ; Dự án xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ; Dự án xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất.
Chính phủ cũng yêu cầu bộ này phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chọn một số vụ án, vụ việc tham nhũng điển hình để tổng kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục đưa một số vụ án vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Rà soát dự án vay vốn ODA để đánh giá về nợ công
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhắc Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát danh mục các dự án sử dụng vốn ODA đang triển khai, kiến nghị tái cơ cấu, điều chuyển vốn, hoãn, giãn những dự án, đề án chưa thật cần thiết hoặc không hiệu quả để điều chuyển vốn cho các dự án khác và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Bộ này có nhiệm vụ đánh giá khả năng giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi thực tế năm 2017, báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội và đề xuất biện pháp xử lý trường hợp giải ngân vốn xây dựng cơ bản cấp phát từ ngân sách nhà nước vượt dự toán. Mức dự toán đã được Quốc hội phê duyệt theo Quyết định số 583 của Thủ tướng ngày 28/4/2017 về việc phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2017.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu rà soát, tổng hợp các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi để đánh giá tác động đối với đầu tư công trung hạn, nợ công và nợ Chính phủ. Cập nhật, đổi mới định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi để phù hợp trong bối cảnh mới (Việt Nam đã dừng nhận các khoản vay ưu đãi của Hiệp hội phát triển Quốc tế; chi phí vay ODA và vốn vay ưu đãi cao hơn, thời gian vay và trả nợ ngắn hơn...).
Tập trung thanh tra lĩnh vực có nhiều dư luận về tham nhũng
Lĩnh vực xã hội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp, biện pháp và lộ trình cụ thể để tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh của y tế cơ sở.
Bộ Y tế được lưu ý cần phối hợp với chính quyền địa phương và chỉ đạo ngành y tế tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động y tế tư nhân, bảo đảm an toàn cho người bệnh. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thanh tra Chính phủ nhận đốc thúc khẩn trương triển khai, hoàn thành các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2017 và chỉ đạo của Thủ tướng.
Cơ quan thanh tra phải tăng cường nắm thông tin, tình hình, kịp thời đề xuất các cuộc thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu chú trọng các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, lãng phí như đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ...; đặc biệt tập trung thanh tra, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có sai phạm, gây thất thoát thua lỗ lớn.
NS