Bộ trưởng Tư pháp trả lời chất vấn việc 2 năm, hơn 20 dự án luật dang dở
(Dân trí) - Báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội để phục vụ phiên chất vấn sáng 19/3, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long xác nhận tình trạng thường xuyên phải điều chỉnh kế hoạch, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Năm 2016 có 12 dự án được lùi, rút. Năm 2017 có 9 dự án được lùi, rút.
Tại phiên chất vấn tại UB Thường vụ Quốc hội lần này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp được phân công trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề: Các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật; Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Nhận định tổng quát rằng công tác xây dựng pháp luật, nhất là xây dựng các luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội đã đạt những kết quả cụ thể và có những bước chuyển biến mới, đóng góp thiết thực cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, song Bộ Tư pháp cũng xác nhận, vẫn còn tình trạng phải điều chỉnh chương trình. Năm 2016 có 12 dự án được lùi, rút khỏi chương trình. Năm 2017 có 9 dự án được lùi, rút khỏi chương trình.
Trong quá trình lập chương trình, một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách trong dự án luật. Chất lượng một số dự án luật chưa được Quốc hội đánh giá cao. Có dự án phải chuyển từ quy trình 2 kỳ thành 3 kỳ họp như Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Vẫn còn một số trường hợp gửi hồ sơ dự án luật, pháp lệnh cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chậm so với quy định. Ví dụ, gần đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, vẫn còn 4/15 hồ sơ dự án luật chưa được gửi các đại biểu Quốc hội.
Lý giải nguyên nhân, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, thời gian qua, số lượng các dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung là rất lớn, trong khi đó Luật năm 2015 yêu cầu chặt chẽ về trình tự, thủ tục, đòi hỏi nhiều thời gian để thực hiện. Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong những năm đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, các bộ, ngành còn phải dành nhiều thời gian cho công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội; sự quan tâm và đầu tư nguồn lực của một số bộ, ngành đối với công tác xây dựng thể chế chưa tương xứng…
Về tình trạng “nợ” văn bản quy định chi tiết đã được nêu nhiều năm qua, Bộ Tư pháp cung cấp thông tin, tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng 481 văn bản quy định chi tiết, gồm 345 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và 136 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Đến nay, đã ban hành được 368 văn bản, còn 113 văn bản quy định chi tiết các luật đã và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, nhưng số lượng văn bản nợ ban hành đã giảm dần qua các năm. Cụ thể, cuối năm 2015 nợ 33 văn bản, cuối năm 2016 nợ 14 văn bản; cuối năm 2017 nợ 9 văn bản. Nhưng năm 2017 đã chấm dứt tình trạng nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, tính đến ngày 12/3/2018 còn 22 văn bản (10 nghị định, 02 quyết định, 08 thông tư, 02 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 11 luật, pháp lệnh đang nợ.
Lý do được Bộ trưởng Tư pháp nêu là thời gian qua, số lượng luật, pháp lệnh được ban hành tương đối lớn; một số luật có nhiều nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ quy định chi tiết, dẫn đến nhiệm vụ phải xây dựng, ban hành một số lượng lớn văn bản quy định chi tiết. Ví dụ: Luật Du lịch có 33 nội dung giao quy định chi tiết; Luật Quản lý ngoại thương có 24 nội dung; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có 17 nội dung.
Ngoài ra, một số luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua quy định ngày có hiệu lực tương đối ngắn; do vậy, nhiều trường hợp rất khó để ban hành văn bản quy định chi tiết đảm bảo có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, nhất là trong trường hợp phải ban hành nhiều văn bản để quy định chi tiết. Chẳng hạn, như đã nêu trên, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2017, có hiệu lực từ 01/01/2018, trong khi đó, Chính phủ phải ban hành 15 nghị định, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành 3 quyết định quy định chi tiết các nội dung được giao.
P.Thảo