Bộ máy cồng kềnh, nồi cơm Thạch Sanh cũng khó nuôi đủ!

(Dân trí) - “Cái bánh ngân sách dù có nở như nồi cơm Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay” – đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn nhận xét tại phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.

Biên chế phình ra, Bộ trưởng than “quýt làm cam chịu”

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang)
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bắt đầu phần phát biểu bằng việc trở lại phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ những năm trước về việc sau 5 năm thực hiện đề án tinh giản biên chế nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của nhà nước nhưng biên chế không giảm cứ phình ra , số lượng cục vụ viện tăng lên, nhiều Bộ số lượng thứ trưởng vượt quá quy định làm tăng tiền lương, gây lãng phí, ảnh hưởng đề án tiền lương…

Theo đó, báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện đề án tinh giản biên chế thực hiện 2 năm trước, một nhận xét khái quát đã được đưa ra, hàng năm biên chế vẫn tăng cao, 2005 – 2010 tăng 13,7%, dự kiến 2015 tăng 12,2%. Dù vậy, cảnh báo này không được chú ý và tình trạng tiếp tục kéo dài đến nay.

“Chất vấn của tôi khi đó Bộ trưởng Nội vụ đã giải trình là “quýt làm cam chịu”, tôi rất chia sẻ” – đại biểu Phương nói.

Ông Phương đề cập một nguyên nhân khiến bộ máy tiếp tục phình ra là do còn hiện tượng tuỳ tiện trong bổ nhiệm, đề bạt, thành lập vụ viện, hình thành một số chức danh không đúng theo quy định như “hàm” vụ trưởng, vụ phó, quy định giới hạn mỗi Bộ có tối đa 4 thứ trưởng nhưng có bộ vượt lên tới 9 thứ trưởng...

Việc này dẫn đến tình trạng “bì tị”, dẫn tới tâm lý Trung ương làm được thì tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được, tỉnh làm được thì xã phường huyện làm được, bộ làm được thì các sở ngành làm được. Từ đó, số lượng cấp phó tăng nhanh không chỉ trong cơ quan nhà nước mà kể cả cơ quan đảng, đoàn thể.

“Thực tế có những phòng ban phần lớn là lãnh đạo, thậm chí là lãnh đạo không có nhân viên, thế nhưng trong thời gian dài không có cơ quan nào bị phát hiện hoặc phê bình” – đại biểu dẫn ví dụ, chưa có quy định cụ thể nào ràng buộc như cơ quan quy mô thế nào thì có 2 cấp phó, thế nào thì có thể hơn… nên nhân sự các đơn vị, theo đó vẫn đua nhau “nở”.

Về tình trạng quá nhiều lãnh đạo cấp phó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương dứt khoát: "Việc tinh giản cấp phó thì phải làm ngay ". Tuy nhiên, theo đại biểu này, việc thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy; tách/nhập các cơ quan đầu mối phải cân nhắc thận trọng, tránh sự thay đổi quá thường xuyên.

Bộ máy “khắc nhập, khắc xuất” liên tục

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

Tán thành những phân tích này, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) nói, thực tế còn không ít bất cập khiến bộ máy phình ra. Tán thành đánh giá của đoàn giám sát, ông Hoà cho rằng, cơ cấu của Chỉnh phủ chậm được nghiên cứu để kiện toàn theo hướng tinh gọn.

Việc sắp xếp, sát nhập thành bộ quản lý ngành chứ được tính toán sâu, phạm vi công việc trở nên quá phức tạp, cồng kềnh, còn nhiều đầu mối chung gian. Từ đó, số lượng cán bộ cũng tăng theo, thậm chí có các bộ còn nghĩ ra cách bổ nhiệm cấp “hàm” như hàm vụ trưởng, hàm vụ phó, hàm trưởng phòng…

Như vậy, có phòng, theo ông Hoà, chỉ 3 người mà 1 là Trưởng phòng, 2 là Phó Trưởng phòng.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nhận xét: “Cái bánh ngân sách dù có nở như nồi cơm Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay”.

Ông Sơn đề nghị quán triệt phương châm tinh giản và tinh nhuệ, theo đó bộ máy phải gọn nhẹ, nhưng đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị chú trọng đội ngũ cán bộ cấp xã, những người gần dân hơn cả, đãi ngộ xứng đáng để đừng bao giờ chúng ta phải nghe thấy câu “tôi chưa nhận được báo cáo vì… chưa có ai làm báo cáo”.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhận định, cơ chế chính sách hiện nay chưa làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương với cải cách bộ máy hành chính, việc cải cách bộ máy chưa dựa trên cơ sở khoa học, đánh giá thấu đáo hiệu quả để thực hiện các bước đi vững chắc, do đó thường xuyên có sự thay đổi tách – nhập các đầu mối.

“Hãy để câu chuyện cây tre trăm đốt chỉ là cổ tích, đừng để khắc nhập khắc xuất liên tục” - ông Lâm ví von.

P.Thảo