21 nền kinh tế tham dự Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017
(Dân trí) - Sáng 26/9, tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) diễn ra sự kiện đầu tiên trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017 (từ 26-29/9) với sự tham dự của 21 nền kinh tế thế giới.
Sự kiện đầu tiên có chủ đề "Hội nghị Đối tác chính sách phụ nữ và kinh tế APEC lần thứ 2 (PPWE 2)".
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Hồng Lan nhấn mạnh: “Cho đến thời điểm này, APEC 2017 Việt Nam đã đi được đến 2/3 chặng đường và đang đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Nỗ lực tăng cường lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và quyền năng kinh tế của phụ nữ được thể hiện qua việc tổ chức hội nghị, hội thảo và đề xuất, khuyến nghị của các nhóm công tác, diễn đàn APEC như Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm sức khỏe, giao thông vận tải, phát triển nguồn nhân lực…
Hôm nay, các bạn đại diện tham mưu cho các Bộ trưởng/Trưởng đoàn từ các nền kinh tế sẽ cùng nhau tích cực, thảo luận và thống nhất đưa ra đề xuất thiết thực cho Diễn đàn lần này. Mục đích nhằm đảm bảo bình đẳng giới vẫn phải là vấn đề xuyên xuốt và cần phải được thực hiện trong mọi lĩnh vực, các diễn đàn của APEC nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ, thúc đẩy tiềm năng kinh tế của phụ nữ trong bối cảnh thế giới đang thay đổi”.
Theo đó, việc xây dựng và thực hiện các chính sách, các chương trình có trách nhiệm giới trong APEC theo Thứ trưởng Lan là “cần phải được thực hiện để tăng cường mạnh mẽ hơn nữa việc cộng tác và phối hợp lồng ghép vấn đề bình đẳng giới giữa các diễn đàn, trong mỗi diễn đàn hướng tới vì sự tiến bộ về kinh tế xã hội của phụ nữ và bình đẳng giới của khu vực”.
Với chủ đề về “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi” và 3 ưu tiên về: Thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng kinh tế bao trùm; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực của Diễn đàn năm nay đã và đang sẽ đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến đóng góp cho Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017 nói riêng và APEC Việt Nam 2017 nói chung.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan kỳ vọng Hội nghị sẽ đạt được những đầu ra mong đợi về quy chế và tiêu chuẩn hoạt động của Quỹ về phụ nữ và kinh tế APEC; hoàn thiện và thông qua Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC; hoàn thiện và thống nhất trình Tuyên bố Bộ trưởng lên Đối thoại chính sách cấp cao.
Trong 4 ngày từ 26-29/6 sẽ có các sự kiện chính trong Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 như “Đối thoại công – tư về phụ nữ và kinh tế (PPDWE)” ngày 28/9 với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Giám đốc điều hành của UN Women – bà Lakshmi Puri; “Chương trình đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế” ngày 29/9; Đêm Văn hóa “Tịnh yến: Nâng cao quyền năng của phụ nữ và bản sắc văn hóa” ngày 27/9 tại Bảo tàng Văn hóa Huế với sự tham gia của bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa Bình và Phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh; Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH; Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Xuyên suốt với các sự kiện chính là 7 sự kiện bên lề được tổ chức tại TP Huế với đại diện các nền kinh tế chủ trì như Đài Bắc – Trung Hoa, Philippines, Nga, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đại Dương