2.000 tỷ cứu hạn: Cây trồng đã chết khát, các Bộ vẫn họp bàn... giải ngân

(Dân trí) - Năm 2016, 2.000 tỷ đồng được duyệt chi, giao cho Bộ KH-ĐT để phân bổ cho các tỉnh ĐBSCL bị hạn mặn vừa qua để cứu hạn cấp tốc. Nhưng nửa năm trôi qua, 3 tháng nữa là chu kỳ hạn lặp lại, vẫn chưa có đồng tiền nào được giải ngân. Đây là một nhiệm vụ Bộ KH-ĐT chưa hoàn thành…

Sáng 25/8, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng với tư cách Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng thực hiện cuộc kiểm tra đầu tiên tại Bộ KH-ĐT.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khái quát, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã cùng thống nhất hành động theo lời tuyên thệ của Thủ tướng là quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ hành động. Và một Chính phủ kiến tạo phải vận động trên nền tảng thượng tôn pháp luật, phải đổi mới, sáng tạo vì người dân, DN. Thay vì quản lý hành chính cứng nhắc phải chuyển sang mô hình phục vụ, tạo thuận lợi nhất cho người dân và DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

2 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (trái) - Nguyễn Chí Dũng tại cuộc làm việc sáng 25/8.
2 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (trái) - Nguyễn Chí Dũng tại cuộc làm việc sáng 25/8.

Người phát ngôn Chính phủ cũng nhấn mạnh những chỉ đạo gần đây của Thủ tướng về việc siết chặt điều hành, từ Trung ương đến cơ sở, giảm phiền hà, giảm thuế quan, ban hành các nghị định quy định các luật, đặc biệt luật Đầu tư và DN.

Những việc này liên quan rất trực tiếp đến hoạt động của Bộ KH-ĐT, với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và DN, bỏ mọi giấy phép con, để năm 2016 thực sự là năm khởi nghiệp của DN. Theo đó, tất cả những vấn đề thuộc trách nhiệm đề xuất, tham mưu của Bộ KH-ĐT sẽ được xem xét.

Theo tinh thần “không thể tiếp tục bắn chỉ thiên” mà phải “bắn” có mục tiêu, mục đích, làm là phải có kiểm tra của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, đó chính là tư tưởng chủ đạo của người đứng đấu Chính phủ khi thành lập tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ.

Theo đó, trong tháng 8, Bộ KH-ĐT cùng Bộ Tài chính là 2 Bộ kinh tế tổng hợp được chọn để thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc đầu tiên để báo cáo Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 8, dự kiến diễn ra đầu tuần tới.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng ông hiểu, buổi làm việc không phải là một cuộc kiểm tra mà đoàn công tác đến để đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng vì nhận định đây là kiểm tra thì nghiêm trọng, nặng nề quá, thường phải có dấu hiệu vi phạm mới tiến hành kiểm tra.

Trao đổi lại quan điểm này, tổ trưởng tổ công tác nhấn mạnh, đây chính là một cuộc kiểm tra, giám sát, kiểm tra để buộc đơn vị nào chưa làm đúng, chưa tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ phải chỉnh lại hoạt động của mình. Vì vậy, dù hoạt động của tổ công tác là rất mới, có thể rất va chạm nhưng vẫn phải thực hiện, vì công việc chung. Nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho các bộ rất nhiều, những nhiệm vụ chưa hoàn thành, nhiệm vụ quá hạn cũng rất nhiều trong khi “có những việc không thể ngồi đợi được”.

Trong số 15 nhiệm vụ đã giao mà Văn phòng Chính phủ xếp loại chưa hoàn thành đối với Bộ KH-ĐT, tổ trưởng tổ công tác “truy vấn” trực tiếp việc phân bổ 2000 tỷ đồng khắc phục hạn mặn cho các tỉnh ĐBSCL đầu năm 2016. Đây là một việc cấp bách được giao phải thực hiện ngay.

Theo vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Chính phủ, dù khoản tiền không nhiều nhưng đây được xác định là việc cấp thiết, đáng ra phải thực hiện phân bổ ngay cho các địa phương trong tháng 5, 6 vừa qua nhưng đã để quá hạn.

Bộ trưởng KH-ĐT: Bản thân tôi cũng rất sốt ruột vì sắp đến chu kỳ hạn mặn nữa mà ẫn chưa bất kỳ tỉnh nào rút được 1 xu tiền hỗ trợ.
Bộ trưởng KH-ĐT: "Bản thân tôi cũng rất sốt ruột vì sắp đến chu kỳ hạn mặn nữa mà ẫn chưa bất kỳ tỉnh nào rút được 1 xu tiền hỗ trợ".

Giải thích việc này, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phân trần, bản thân ông cũng sốt ruột vì họp về vấn đề chống đỡ hạn mặn rất nhiều lần mà đến giờ, thời gian trôi về gần cuối năm, sắp đến một chu kỳ hạn mới rồi mà vẫn chưa bất kỳ tỉnh nào rút được 1 xu tiền hỗ trợ cho đợt khô hạn năm nay. Tiền chưa thể đến nơi cần để khơi dòng, tìm nước, cứu cây trồng vì cách làm của Bộ KH-ĐT và Bộ Nông nghiệp “tréo” chân nhau.

Bộ KH-ĐT muốn phân bổ đều, mỗi tỉnh bị hạn mặn được khoảng 80 tỷ đồng để giải quyết ngay việc bức thiết như nạo vét hồ chứa nước, khơi kênh rạch dẫn nước về đồng… nhưng Bộ Nông nghiệp lại muốn đưa một số dự án dang dở của ngành vào để có thêm nguồn vốn thực hiện. 2000 tỷ đồng “ách” lại đến nay, họp đi họp lại nhiều lần, cuối cùng phải chấp nhận bổ sung thêm một vài danh mục nhỏ như yêu cầu của ngành nông nghiệp.

Xác nhận đã dự không dưới 3 lần họp tại Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thở dài: “Chủ trương của Thủ tướng là xử lý cấp bách để giải quyết tình trạng hạn mặn, đơn giản thủ tục để triển khai được ngay. Vậy mà giờ bao nhiêu cà phê, hồ tiêu bị hạn đã chết lâu rồi, đâu thể chờ các bộ họp xong được”.

Theo tổ trưởng tổ công tác, nếu việc này làm được từ tháng 5, tháng 6 vừa qua có thể đã mang lại bao hiệu quả trực tiếp. Địa phương khi được thông báo về giải pháp hỗ trợ này cũng mừng lắm vì tưởng sẽ có tiền ngay để cứu lúa, cứu cà phê, không phải chờ. Nhưng kết cục thì như vậy.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Chúng ta không thể ngồi trên mây gió rồi phân, giao việc.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "“Chúng ta không thể ngồi trên mây gió rồi phân, giao việc".

Đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ KH-ĐT, căn cứ trên số lượng công việc đã hoàn thành/còn tồn đọng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, phần sót lọt, quá hạn còn rất nhiều, nhiệm vụ mới đạt khoảng 1/3.

“Chúng ta không thể ngồi trên mây gió rồi phân, giao việc. Những nhiệm vụ chưa hoàn thành phải xác định, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu mà có thể do lãnh đạo Bộ chưa sâu sát hết. Đề nghị Bộ KH-ĐT hết sức quan tâm, rút kinh nghiệm trong công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo vì việc “chạy” có nhanh không nằm ở các cục, vụ, phải đốc thúc, quán xuyến rất nhiều, nếu lãnh đạo Bộ nhiều việc, lướt qua là bỏ sót ngay” – người đứng đầu Văn phòng Chính phủ nói.

Như việc phân bổ 2000 tỷ đồng cứu hạn, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đáng ra khi có độ vênh về quan điểm với Bộ Nông nghiệp như vậy, Bộ KH-ĐT phải chủ động báo cáo Chính phủ ngay chứ cứ ngồi chờ để thống nhất được ý kiến với nhau thì “cây trồng chết khát lâu rồi”.

P.Thảo