Thêm một cái tát đích đáng vào mặt bọn tham lam

(Dân trí) - “Ăn không từ thứ gì”, từ vật chất đến vinh quang tinh thần là bản chất của những kẻ tham lam. Cám ơn Hoàng Xuân Vinh. Cám ơn Trần Thị Thanh Tuyền. Xin cám ơn tinh thần “từ chối vinh quang” vô tư và cao thượng của các bạn. Việc làm của các bạn chính là những cái tát đích đáng vào mặt bọn tham lam.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Thế là một lần nữa, Hoàng Xuân Vinh lại “từ chối vinh quang” với danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô”. Cách đây hai tháng, anh đã từ chối danh hiệu Anh hùng lao động, một phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước Việt Nam tặng cho tập thể, cá nhân có những thành tích xuất sắc.

Vì sao Hoàng Xuân Vinh lại từ chối những danh hiệu này?

Lần trước, anh đưa ra lý do rất giản dị: “Để có được thành công này, có sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành thể thao và sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Do vậy, thành công này không chỉ của riêng tôi. Vì vậy tôi kiến nghị Thủ tướng dành phần thưởng này cho tập thể ngành thể thao”.

Lần này, khi đại diện Ban thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội đã đề xuất xét tặng anh danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016, anh lại từ chối với một lý do cũng khó có thể giản dị hơn.

Theo thông tin từ báo chí, tại Hội nghị biểu dương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu, vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Ban thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội cho biết, sau khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đạt huy chương vàng và bạc ở Olympic Rio 2016, đơn vị này đã đề xuất việc xét tặng anh danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016.

“Chúng tôi nhận thấy vận động viên Hoàng Xuân Vinh hoàn toàn xứng đáng được được xét đặc cách danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Tuy nhiên, anh Vinh có ý kiến là đã được quê nhà tôn vinh và gửi lời cảm ơn đến thành phố đã quan tâm”. Ông Bằng nói.

(Hoàng Xuân Vinh sinh tại Sơn Tây (TP Hà Nội), tuy nhiên gốc gác dòng họ của anh ở Quảng Trị. Sau thành công tại Olympic Rio 2016, anh đã về Quảng Trị "vinh quy bái tổ").

Việc làm của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh gợi lại câu chuyện của em Trần Thị Thanh Tuyền, học sinh lớp 10A1, Trung học phổ thông Nguyễn Thị Một, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Khi về thăm và dự lễ khai giảng tại ngôi trường còn nhiều khó khăn này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng cho Huyền một chiếc xe đạp để em đi học, Huyền đã từ chối với một lý do cũng rất đơn giản.

Em nói: “Con đã có xe đạp. Năm lớp 8, con cố gắng vượt khó học tốt nên ông Sáu (tức Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình) đã cho con rồi. Chiếc xe đó con còn đi được nên con muốn nhường cho bạn khác”.

Đọc những tấm gương trên và nhiều những tấm gương khác đã và chưa hoặc không được nêu gương trên báo chí, không khỏi không nghĩ về chiều ngược lại, đó là những kẻ tham làm “ăn không từ thứ gì”, ví như hai ông “quan” Trịnh Xuân Thanh và Hồ Xuân Mãn.

Nếu danh hiệu anh hùng và hàng loạt những phần thưởng cao quý “rất thỏa đáng” như lời của bà Trưởng Ban thi đua khen thưởng Trần Thị Hà được trao cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam để rồi năm trước anh hùng, năm sau bết bát thì danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang của nguyên Bí thư Thừa Thiên Huế, ông Hồ Xuân Mãn là sự ăn gian tới 15/17 thành tích.

“Ăn không từ thứ gì”, từ vật chất đến vinh quang tinh thần là bản chất của những kẻ tham lam.

Cám ơn Hoàng Xuân Vinh. Cám ơn Trần Thị Thanh Tuyền. Xin cám ơn tinh thần “từ chối vinh quang” vô tư và cao thượng của các bạn.

Việc làm của các bạn chính là những cái tát đích đáng vào mặt bọn tham lam.

Bùi Hoàng Tám