Nỗi “thất vọng” qua lời của Nguyên Phó Chủ tịch nước

(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn trên VOV, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, một nhà giáo dục có uy tín và tâm huyết đã nói về sự “thất vọng” của việc sử dụng nhân tài và coi trọng trí thức.

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Bà nói: “Đúng là Nhà nước chưa thực sự coi trọng trí thức, chưa có chính sách sử dụng và đãi ngộ thích hợp. Do đó chưa thu hút được người tài, người có trình độ chuyên môn giỏi vào bộ máy Nhà nước. Cũng đúng là việc tuyển dụng và đề bạt trong các cơ quan nhà nước hiện nay có nhiều điểm chưa hợp lý, đấy là chưa nói đã xảy ra không ít hiện tượng tiêu cực trong công tác tổ chức - cán bộ”.

Đây là những lời tâm huyết và thẳng thắn của một chính khách cao cấp, từng nhiều năm giữ trọng trách Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo, một nhân sĩ được giới trí thức kính trọng không chỉ bằng tài năng, đức độ mà còn ở tấm lòng chân thành, biết coi trọng với họ.

Bà đã nói thẳng rằng “Nhà nước chưa thực sự coi trọng trí thức, chưa có chính sách sử dụng và đãi ngộ thích hợp”. Đây là một thực tế ngay cả trong cái cách mà bà “xếp hạng”. Trí thức cần đãi ngộ không? Tất nhiên là có. Nhưng điều họ cần hơn, đó là chính sách sử dụng và cao hơn nữa, là sự “coi trọng”.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, khi mà một quốc gia nào đó không coi trọng “nguyên khí” thì đó không chỉ là sự “thất vọng” mà có thể còn là bi kịch cho quốc gia đó.

Nguyên Phó Chủ tịch còn bày tỏ: “đã xảy ra không ít hiện tượng tiêu cực trong công tác tổ chức - cán bộ”. Cái “hiện tượng tiêu cực” mà bà nói ở đây là chạy chức, chạy quyền, là “công chức 100 triệu”, là cơ cấu “con cháu các cụ”, là công thức “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...”. Thương thay cho tài năng và trí tuệ phải đứng vị trí cuối cùng trong cái “mô hình 4 ệ” đã trở thành “thành ngữ mới” trong dân gian.

Song, nguyên Phó Chủ tịch nước còn chỉ rõ: “Nhân đây tôi muốn nói, nhiều trí thức giàu tâm huyết cho biết, các vị ấy đã góp rất nhiều ý kiến xây dựng, chân thành và đúng đắn, nhưng không được lắng nghe nên chán nản… Đối với trí thức có lòng tự trọng, nói ra những điều suy tư vì dân, vì nước mà không được lắng nghe, không được coi trọng thì đó là một sự “thất vọng”.

Vâng! Những lời nói thẳng, nói thật, chân thành, xây dựng và nói đúng chính là “những lời vàng ngọc”. Một khi những “vàng ngọc” đó bị lãng phí đã là đáng tiếc thì đáng tiếc hơn, những trí thức đó sẽ im lặng để rồi thất vọng.

Đó là chưa kể hoàn toàn có thể bị coi là “phần tử tiêu cực”...

Cách đây hơn 2 thế kỉ, cụ Lê Quý Đôn, một nhà khoa học thiên tài của Việt Nam đã chỉ ra năm nguy cơ mất nước nếu không ngăn chặn được, đó là: “Trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt”.

Nếu đem 5 tiêu chí này “áp” vào Việt Nam chúng ta hôm nay, không biết cần phải ngăn chặn những điểm nào?

Và mong lắm, xin đừng để “sĩ phu ngoảnh mặt” bởi ít nhất, đó cũng là nỗi “thất vọng” như lời Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình!

Bùi Hoàng Tám