Ngang nhiên trái lệnh Thủ tướng, vẫn còn nhiều cán bộ “to gan” quá!
(Dân trí) - Không bực bội, mệt mỏi sao được khi doanh nghiệp đã nộp thuế vào ngân sách Nhà nước để nuôi bộ máy hành chính. Rồi lại bị cũng chính những cán bộ ăn lương Nhà nước đó làm phiền, nhũng nhiễu, không những về tiền bạc mà còn bị “tham nhũng” thời gian, để lỡ nhiều cơ hội kinh doanh, sản xuất.
“Trong 20 ngày vừa qua, tôi đã tiếp khoảng 7 đoàn thanh, kiểm tra. Chúng tôi phải lập một bộ phận tiếp đón riêng gồm ba người”.
Đây là nội dung được ông Nguyễn Khánh Trình, CEO chuỗi thực phẩm sạch Sói biển nêu lên tại toạ đàm lấy ý kiến doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tuần trước.
Theo tường thuật của Báo Chính phủ thì doanh nghiệp này đã phải trích quỹ tiền lương cho 3 người này lên tới 30 triệu đồng/tháng, công việc chủ yếu chỉ là in giấy tờ, gọi điện trước để chuẩn bị tiếp đón đoàn thanh tra cho… chu đáo.
Việc đến tai người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong phiên họp tối muộn ngày 3/5, Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương phải khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra tràn lan, riêng UBND thành phố Hà Nội được giao kiểm tra thông tin nói trên và chấn chỉnh tình trạng này.
Nên nhớ là từ giữa năm ngoái, chính xác là vào ngày 17/5/2017, Thủ tướng đã đích thân ký Chỉ thị số 20/CT-TTg để chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trong đó quy định rõ không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp.
Ấy thế mà, chưa đầy 1 năm, vẫn có tình trạng trái lệnh Thủ tướng, đi ngược lại tinh thần kiến tạo, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của Chính phủ. Thế mới biết, cũng có những cán bộ “to gan” lắm, trên bảo dưới không nghe, Chính phủ nói một đường mà lại làm một nẻo.
Hoặc cũng có lẽ, họ mắc phải căn bệnh “nghiện kiểm tra”, “nghiện thanh tra”. Chẳng những nghiện mà còn “làm quá”, đến mức hách dịch, hoạnh hoẹ.
“Trong công ty, nhân viên thấy nhiều anh chị thanh tra đến mặt đằng đằng sát khí, đi xe bật còi hú nên rất ngại và nhiều khi tôi cũng phải tiếp vì tôi là người nhiều tuổi nhất công ty”, vị CEO nói trên chia sẻ.
Họ tỏ ra vô cùng… quan ngại. Người xưa có câu “Bói ra ma, quét nhà ra rác”, cứ thanh tra lên thanh tra xuống, kiểm tra đi kiểm tra lại, bằng đủ mọi cách thể nào cũng thiếu cái này, sót cái kia, kiểu… “Bới bèo…!.
Vấn đề nằm ở chỗ, không loại trừ có những cán bộ thanh tra, kiểm tra không nhằm mục tiêu chỉnh đốn, nhắc nhở doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà để “có 300 lạng việc này mới xong”.
Thế nên mới có chuyện, nền kinh tế chúng ta nay đã nảy ra một nghề mới là “nghề tiếp thanh tra”. Và có thêm các loại phí gọi là “phí bôi trơn”, “chung chi”, “lại quả”, “chi phí không chính thức”… - những chi phí đó không bao giờ được ghi nhận vào báo cáo tài chính, song ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của mọi doanh nghiệp.
Chưa hết, tại hội thảo này, bà Trịnh Tú Anh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Đô phản ánh: “Bất kể ai, lực lượng nào cũng có thể vào doanh nghiệp kiểm tra được”; “họ đi kiểm tra kiểu như thế làm doanh nghiệp rất bực bội, mệt mỏi”.
Không bực bội, mệt mỏi sao được khi doanh nghiệp đã nộp thuế vào ngân sách Nhà nước để nuôi bộ máy hành chính. Rồi lại bị cũng chính những cán bộ ăn lương Nhà nước đó làm phiền, nhũng nhiễu, không những về tiền bạc mà còn bị “tham nhũng” thời gian, để lỡ nhiều cơ hội kinh doanh, sản xuất.
Cũng cần nói rõ, người viết không phản đối hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp, bởi đây là điều cần thiết để chống trốn thuế, gian lận.
Nhưng thật nực cười khi mà lực lượng thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường… lúc nào cũng than vãn thiếu người, thiếu lực, bỏ lọt nhiều vụ vi phạm lớn, để xảy ra không ít “con voi chui lọt lỗ kim” thì những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đàng hoàng lại phải chịu cảnh hạch sách, phiền hà?!
Đành rằng chính sách lương vẫn còn bất cập và mặt bằng lương công chức chưa cao, song có lẽ một bộ phận cán bộ sẽ phải suy nghĩ lại về sự “nhiệt tình” của mình với công tác thanh, kiểm tra khi gần đây, hàng loạt cán bộ hải quan cũng chỉ vì phong bì mà phải ra trước toà, chứ không chỉ là kỷ luật, điều chuyển.
Bích Diệp