Doanh nghiệp “oằn lưng” với khó khăn và quyết tâm của Chính phủ mới

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo cuối tuần trước, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã nói ví von trước báo giới: “Một doanh nghiệp 40 cân gánh 3-4 tạ khó khăn thì sống sao nổi?”. Hiện đang là thời điểm Chính phủ mới nhận nhiệm vụ và dự kiến Thủ tướng sẽ có cuộc tiếp xúc với doanh nhân vào cuối tháng tư này nên ý nghĩa của vấn đề đặt ra nóng hơn bao giờ hết.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Các kết quả khảo sát, phân tích của các viện nghiên cứu, các tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian qua đều cho thấy điều ông Lê Mạnh Hà nói là đúng. Trong thời gian qua, hiệu quả, lợi nhuận của khối DN ngày càng giảm do các loại chi phí tăng lên nhanh chóng: lãi suất, chi phí vận tải, thuế phí… đều tăng. Tổng kết của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho thấy, tổng chi phí về thuế, các loại phí… tổng chi phí về thuế, các loại phí… hiện đang chiếm tới trên 40,8 % lợi nhuận của các DN Việt Nam - một tỷ lệ cao thuộc diện hàng đầu trên thế giới.

Nhưng đáng lo hơn là có những loại chi phí không tên, không hóa đơn, chứng từ… Đó là những khoản phí “bôi trơn”, tiền đưa “dưới gầm bàn” mà các DN buộc phải chi để hoạt động sản xuất, kinh doanh được suôn sẻ khi làm việc với cán bộ công chức ở khắc các cấp, các ngành. Về điều này, một kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vừa công bố trước báo giới rằng: “DN Việt Nam cứ làm ra 100 đồng thì họ phải trả 0,72-1,2 đồng cho làm phí bôi trơn”.

Chính vì điều này, trong thời gian qua, lượng đơn thư, kiến nghị giải quyết khó khăn của DN gửi tới các bộ, ngành ngày càng chất chồng. Số lượng DN giải thể, phá sản đã không ngừng tăng, tăng cao hơn cả những năm mà nền kinh tế được cho là gần xuống đáy (2011-2013), đến mức mà ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vừa qua phải thốt lên: “Tình trạng DN phá sản đã đến mức rất không bình thường. Ai nói đó là bình thường là vô trách nhiệm”.

Những sự thật trên đã được nói, phân tích rất nhiêu. Nay, những vấn đề đó lại được ông Lê Mạnh Hà nói ra, trong bối cảnh Chính phủ mới vừa được Quốc hội phê chuẩn nhân sự và đã bắt tay vào hành động cho thấy, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên của Chính phủ quyết tâm hành động.

Một điều đáng lưu ý là ngay trong ngày được Quốc hội phê chuẩn làm Thủ tướng Chính phủ (7/4/2016), Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc chỉ đạo điều hành kinh tế-xã hội trong thời gian tới là cải cách môi trường kinh doanh, tháo gỡ ngay các rào cản, khó khăn để người dân, DN tự do kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Ông đã nhận lời gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng DN vào ngày 29/4 tới để lắng nghe các ý kiến phản ánh khó khăn, vướng mắc của DN, lắng nghe các kiến nghị, hiến kế của DN, các hiệp hội DN để có những quyết sách mạnh mẽ mới, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xóa bỏ, sửa đổi các chính sách bất hợp lý, gây khó khăn cho DN.

Đã có những tín hiệu cho thấy, với những hành động, chỉ đạo cụ thể đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như sẵn sàng đối thoại với cộng đồng DN, hay cụ thể hơn, vừa qua, ông đã chỉ đạo xem xét, không được hình sự hóa với chủ quán cà phê Xin chào, chấn chỉnh việc ban hành “giấy phép con”…Và tại cuộc họp Chính phủ hôm qua (25/4), ông đã đồng ý ban hành các văn bản qui định chi tiết, hướng dẫn Luật Đầu tư và Luật DN theo quy trình rút gọn với chỉ đạo: “Kiên quyết xong trước 1/7/2016” cho thấy, người đứng đầu Chính phủ mới nói là làm. Bước đầu, ông đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ phía cộng đồng DN, từ đông đảo người dân thể hiện trên báo chí, mạng xã hội… về quyết tâm xử lý các khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh.

Tất nhiên, để giải quyết tất cả những khó khăn cho cộng đồng DN không phải là việc làm một sớm, một chiều. Không chỉ là vấn đề chi phí tăng, tham nhũng nặng nề mà có những vấn đề thực tế khá phức tạp mới đặt ra. Vấn đề lớn nhất là trong khoảng 2 năm qua, Việt Nam đã ký kết hơn 10 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, theo đó, thuế xuất, nhập khẩu của Việt Nam với nhiều nước đã được cam kết đưa về mức 0%. Thì đi cùng với nó, thu ngân sách sẽ ngày càng khó khăn và chuyển sang thu nội địa thì gánh nặng thuế, phí với các DN ngày càng lớn mà Chính phủ mới sẽ phải cân đối cho hài hòa.

Do đó, vẫn câu chuyện cũ “DN 40 cân gánh 3-4 tạ khó khăn”, nhưng để giải quyết tất cả những nguyên nhân, để cất bớt từng gánh nặng trong 3-4 tạ khó khăn đó, đòi hỏi Chính phủ mới không chỉ có quyết tâm, ý chí mà cả năng lực thực sự để điều hành, xử lý những khó khăn trong tình hình mới.

Với những điều mà Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ mới, lãnh đạo mới ở một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đã bắt đầu thể hiện, chúng ta cũng có thể hi vọng, những “tạ” khó khăn với DN trong thời gian tới sẽ được giảm bớt, để các DN có thể lớn lên, chứ không “còi cọc”, chết dần, chết mòn...

Mạnh Quân