Kon Tum:
Viện trưởng VKSND huyện nhậu say, lái xe biển xanh gây tai nạn liên hoàn đối diện mức án nào?
(Dân trí) - Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân huyện Tu Mơ Rông - người nắm giữ và thực hiện quyền kiểm soát hoạt động tư pháp nhưng lại sử dụng xe công, uống rượu bia lái xe gây tai nạn liên hoàn khiến 8 người bị thương rồi bỏ chạy về nhà riêng. Hành vi này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm với tình tiết định khung tăng nặng.
Chiều ngày 24/3, Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum hoãn xét xử phiên tòa hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Trần Quang Hùng về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Theo kết quả điều tra trước đó bị cáo Hùng - Viện trưởng VKSND huyện Tu Mơ Rông lái xe ô tô từ huyện Đăk Hà về thành phố Kon Tum đã liên tiếp gây ra 4 vụ tai nạn giao thông làm 6 người bị thương. Đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây xôn xao dư luận bởi người điều khiển xe ô tô mang biển số xanh, giữ chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện trong tình trạng sử dụng bia rượu, lái xe gây tai nạn bỏ chạy, khi bị truy đuổi ông này đã chạy về nhà cố thủ.
Nhận định về vụ việc trên, Luật sư Chu Văn Tiến - Công ty Luật TNHH An Nam, Đoàn Luật Sư Hà Nội đánh giá: Qúa trình giải giải quyết vụ án hình sự bao giờ cũng trải qua nhiều giai đoạn khác nhau từ khởi tố, điểu tra, truy tố, xét xử đến thi hành án... Mỗi một giai đoạn có một vai trò quan trọng nhất định, làm tiền đề để thực hiện tiếp các giai đoạn sau này. Trong đó, giai đoạn xét xử vụ án hình sự được coi là giai đoạn trung tâm và quan trọng nhất của hoạt động tố tụng hình sự bởi đó là giai đoạn Tòa án - cơ quan nắm giữ quyền tư pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ quan trọng nhất của mình.
Về nguyên tắc, sau khi có quyết định khởi tố hình sự, Tòa án sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của toàn bộ các quyết định mà cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã thông qua trước khi ra quyết định truy tố. Ở giai đoạn này, thông qua việc xét xử sơ thẩm (hoặc có thể phúc thẩm) để giải quyết vụ án, ra một bản án có hiệu lực pháp luật đảm bảo không để tình trạng bỏ lọt tội phạm và kết án oan người vô tội” - ông Tiến khẳng định.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho biết, trên thực tế có rất nhiều trường hợp do có nhiều lý do khác nhau dẫn đến các phiên tòa sơ thẩm không thể diễn ra đúng thời gian đã thông báo dẫn đến việc hoãn phiên tòa và phải lùi ngày xét xử sang ngày khác. Điều này gây không ít khó khăn cho những người tham gia tố tụng hình sự, nhưng để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, thì pháp luật đã quy định những trường hợp nhất định được phép hoãn phiên tòa.
Theo quy định của pháp luật, hoãn phiên tòa sơ thẩm hình sự là việc chuyển thời điểm tiến hành phiên tòa sơ thẩm hình sự đã định sang thởi điểm khác muộn hơn khi xảy ra các căn cứ mà pháp luật đã quy định. Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện nay quy định các trường hợp được phép hoãn phiên tòa đó là: trường hợp thay đổi người tiến hành tố tụng, trường hợp kiểm sát viên vắng mặt, trường hợp bị cáo vắng mặt, trường hợp người bào chữa vắng mặt trong trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa tham gia phiên tòa, trường hợp người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ vắng mặt thì tùy trường hợp mà hoãn phiên tòa, một số trường hợp người làm chứng, người giám định vắng mặt...
Đồng thời pháp luật cũng quy định, việc hoãn phiên tòa phải được thực hiện thông qua quyết định bằng văn bản và thực hiện trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa; tuy nhiên thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá ba mươi ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
Xét trường hợp hoãn phiên tòa trong vụ việc của bị cáo Trần Quang Hùng ngày 24/3/2016 do sự vắng mặt của nhiều người bị hại, nhân chứng, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, thì:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 191 BLTTHS “Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử” và Điều 192 BLTTHS: “Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử”, điều này có nghĩa là khi vắng mặt người bị hại, nhân chứng, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì tùy từng trường hợp Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định hoãn phiên tòa.
“Trong trường hợp này, bị cáo Trần Quang Hùng - Viện trường viện kiểm sát nhân dân huyện, một người nắm giữ và thực hiện quyền kiểm soát hoạt động tư pháp nhưng lại vi phạm các quy định của pháp luật, sử dụng xe công, uống rượu bia quá đà lái xe gây ra liên tiếp 4 tại nạn làm bị thương 8 người rồi sau đó bỏ chạy về nhà riêng. Quá trình điều tra xác định nồng độ cồn đo được khi ông Hùng lái xe gây tai nạn liên hoàn là 0,982mg/1 lít khí thở. Tổng số tài sản thiệt hại trong vụ tai nạn (gồm xe mô tô, ô tô) trị giá 76.838.000 đồng; tỷ lệ thương tật của 8 nạn nhân trong vụ tai nạn xác định 118,99%.
Với hành vi điều khiển ô tô khi đã sử dụng rượu nồng độ vượt quá cho phép vi phạm Luật giao thông đường bộ tại khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ, bị cáo Hùng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm với tình tiết định khung tăng nặng tại Điểm b, Điểm c, Điểm đ...của BLHS” - ông Tiến nhận định.
Thanh Trầm (ghi)