Người "khơi nguồn" du lịch trên đỉnh Hòn Me

Trung tâm phát sóng phát thanh truyền hình trung ương và địa phương tại đỉnh Hòn Me (gọi tắt là Trung tâm phát sóng Hòn Me), nằm trong quần thể khu di tích lịch sử Ba Hòn thuộc địa bàn xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) có khung cảnh hữu tình, thơ mộng.

Nơi đây còn có nhà trưng bày chứng tích chiến tranh, nhà trưng bày cổ vật, nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Nhưng ít người biết rằng, để có được điểm du lịch này, ông Nguyễn Thanh Hà, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Kiên Giang đã có sự đóng góp rất lớn.

Trung tâm phát sóng Hòn Me giờ đây không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ phát sóng của Đài phát thanh - truyền hình tỉnh, mà còn là điểm đến cuối tuần lý tưởng của du khách thập phương. Đến điểm du lịch này, chúng tôi đã được gặp ông Nguyễn Thanh Hà. Ông từng làm việc tại Thông tấn xã Giải phóng trong những ngày tháng chiến tranh chống giặc ngoại xâm trên quê hương xứ Hòn, sau này ông về làm Giám đốc Đài phát thanh - truyền hình tỉnh. Giờ đây, tuy đã nghỉ hưu nhưng khi nhắc đến khu Trung tâm phát sóng Hòn Me, ông vẫn rất hào hứng.

Cột phát sóng của Trung tâm phát sóng Hòn Me. Ảnh: mientaydigi.vn

Cột phát sóng của Trung tâm phát sóng Hòn Me. Ảnh: mientaydigi.vn

Trong thời gian làm Giám đốc Đài phát thanh-truyền hình tỉnh Kiên Giang, ông luôn nghĩ đến việc sẽ biến đỉnh Hòn Me cách mặt nước biển 200m này thành khu du lịch, giúp thế hệ trẻ hiểu về quá khứ, về những hi sinh mà thế hệ cha ông đã trải qua để có cuộc sống yên bình hôm nay. Năm 2004, ngay sau khi xây dựng Trung tâm phát sóng, ông đã cùng Ban giám đốc Đài quyết tâm biến nơi này thành khu trưng bày chứng tích chiến tranh. Sau đó, Ủy ban nhân tỉnh Kiên Giang đã cho phép thực hiện phương thức xã hội hóa để xây dựng khu vực này. Ông bắt đầu phát động, kêu gọi mọi sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân cùng chung tay thực hiện ước nguyện đó.

Ông Hà đã cùng cán bộ, nhân viên của Đài phát thanh-truyền hình tỉnh Kiên Giang thu gom, sưu tầm từng hiện vật, ban đầu là cây súng, chiếc radio cũ, xe tăng, máy bay…. Đến nay, khu trưng bày đã có trên 200 hiện vật, kỷ vật thời chiến tranh. Chưa bằng lòng với những gì đã có, ông Hà cùng Ban giám đốc Đài tiếp tục cho “ra đời” thêm nhà trưng bày cổ vật lúa nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, với gần 400 hiện vật. Rồi sau đó, tiếp tục xây dựng thêm nhà lưu niệm để tưởng nhớ đến công lao các anh hùng liệt sĩ; cột đá chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa; cây bàng trái vuông… ngay trên đỉnh Hòn Me.

Hiện nay, Trung tâm phát sóng Hòn Me thu hút lượng lớn du khách đến tham quan. Trung bình mỗi năm, Trung tâm đón trên 90 ngàn lượt khách đến tham quan. Ông Nguyễn Quốc Đoàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất cho biết, từ ngày thành lập Trung tâm phát sóng ở đây, nhất là từ khi đưa vào khai thác du lịch, đời sống người dân địa phương đã khá hơn trước. Du khách đến Hòn Đất giờ đây không chỉ đến thắp hương chị Sứ (nữ liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng, nguyên mẫu của nhân vật chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức đã hy sinh tại đây) mà còn có thêm điểm du lịch về nguồn thật ý nghĩa...
 
Có thể nói, để có được những hình ảnh, kỷ vật sống động như ngày hôm nay ở Trung tâm phát sóng Hòn Me, không thể không nhắc tới công lao đóng góp của ông Nguyễn Thanh Hà, nguyên Giám đốc Đài phát thanh-truyền hình tỉnh Kiên Giang. Trước khi chia tay chúng tôi, ông Hà còn dặn: Nhà báo đi nhiều, nhớ nói giúp bà con nào còn giữ những kỷ vật thời chiến tranh hãy tặng cho Trung tâm để làm phong phú hơn những hình ảnh, để nơi đây thật sự trở thành "địa chỉ đỏ", giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Theo Lê Sen
Báo tin tức