1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

Yêu cầu xử lý sự cố môi trường nhà máy cồn Đại Tân

(Dân trí) - Thay mặt UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh vừa kí văn bản gửi Công ty CP nhiên liệu sinh học Tùng Lâm (chủ đầu tư nhà máy cồn ethanol Đại Tân), Sở TN-MT, Công an tỉnh, UBND huyện Đại Lộc và các hộ dân thôn Nam Phước, xã Đại Tân về cố môi trường xảy ra tại nhà máy cồn Đại Tân khiến người dân chặn cổng nhà máy hơn 10 ngày qua.

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 18/9, nhà máy cồn ethanol Đại Tân (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc) bị sự cố khiến môi trường xung quanh nhà máy bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Chịu không nổi mùi hôi thối phát ra từ nhà máy, người dân thôn Nam Phước (xã Đại Tân) đã tụ tập trước cổng nhà máy không cho xe chở nguyên vật liệu vào ra và yêu cầu làm rõ vụ việc.

Dân ngăn cản nhà máy cồn Đại Tân vì ô nhiễm

Đến hôm nay (29/9), người dân vẫn còn tụ tập trước cổng nhà máy cồn ethanol Đại Tân để ngăn cản

Sự cố ô nhiễm môi trường sau đó được xác định là trong quá trình sản xuất, công nhân vận hành đã để tràn dầu fusel chiết xuất từ quá trình sản xuất cồn từ bồn chứa ra, dẫn đến phát tán mùi ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhân dân sinh sống xung quanh khu vực nhà máy.

Ngày 26/9, các hộ dân thôn Nam Phước đã gửi đơn đến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam phản ảnh về việc nhà máy này trong quá trình sản xuất khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân xung quanh nhà máy. Các hộ dân yêu cầu đóng cửa nhà máy hoặc di dời dân đến nơi ở mới.

Dân ngăn cản nhà máy cồn Đại Tân vì ô nhiễm

Sau khi nhận được báo cáo của UBND huyện Đại Lộc và Công ty CP nhiên liệu Tùng Lâm, thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu Công ty CP nhiên liệu Tùng Lâm (chủ đầu tư nhà máy cồn ethanol Đại Tân) khẩn trương khắc phục sự cố tràn dầu fusel, tuyệt đối không để dầu tràn ra ngoài khu vực đã xảy ra sự cố, xử lý triệt để mùi hôi, không để phát tán thêm ra khu vực xung quanh, tuyệt đối không để ra cháy nổ, bao gồm cả việc xử lý an toàn đối với 9.000m3 dịch tồn hiện nay.

Phương án khắc phục này phải báo cáo cho UBND huyện Đại Lộc biết, khi thực hiện phải có sự tham gia giám sát của chính quyền địa phương và nhân dân khu vực xung quanh nhà máy. Phối hợp với UBND xã Đại Tân, Phòng TN-MT huyện Đại Lộc rà soát khu vực dân cư bị ảnh hưởng nguồn nước, khẩn trương thực hiện việc hỗ trợ, cung cấp nước sinh hoạt và nước uống cho người dân.

Dân ngăn cản nhà máy cồn Đại Tân vì ô nhiễm

Người dân dựng lều, tổ chức nấu ăn, cắm chốt trước cổng nhà máy hơn 10 ngày nay

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu lập phương án hoạt động đảm bảo an toàn đối với nhà máy sau khi khắc phục xong, cam kết bằng văn bản trước nhân dân và chính quyền địa phương trong quá trình hoạt động, nếu để xảy ra sự cố tương tự thì nhà máy tự nguyện đóng cửa, không hoạt động cho đến khi hoàn thành việc di dời dân đến nơi ở mới thì nhà máy mới được phép hoạt động trở lại.

Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu huyện Đại Lộc chịu trách nhiệm vận động, thuyết phục nhân dân không gây mất an ninh trật tự tại địa phương và khẩn trương tạo điều kiện để nhà máy cồn khắc phục sự cố.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc khắc phục sự cố môi trường. Khảo sát và đánh giá việc ảnh hưởng của nhà máy đến đời sống nhân dân và có phương án di dời nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi nhà máy đến nơi ở mới, đảm bảo ổn định cuộc sống cho dân dân.

Ông Lê Trí Thanh cũng cho rằng, sự cố xảy ra tại nhà máy cồn ethanol là điều đáng tiếc, trách nhiệm trước hết thuộc về Công ty CP nhiên liệu sinh học Tùng Lâm; tuy nhiên các hộ dân tập trung đông người cản trở việc xử lý, khắc phục sự cố của nhà máy là không đúng pháp luật.

“Nếu không kịp thời khắc phục ngay sự cố, có thể kéo theo sự cố khác xảy ra, lúc đó thiệt hại của công ty và người dân sẽ lớn hơn, hậu quả khi đó có phần trách nhiệm của những người ngăn cản”, văn bản của ông Lê Trí Thanh cho hay.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị các hộ dân hợp tác với công ty, chính quyền địa phương và các Sở, ngành trong việc khắc phục sự cố, đồng thời giám sát việc thực hiện khắc phục sự cố của công ty cùng chính quyền địa phương.

Trao đổi với PV Dân trí sáng 29/9, đại diện lãnh đạo nhà máy cồn Đại Tân cho biết, đến hôm nay người dân vẫn còn tụ tập trước cổng nhà máy để ngăn cản. Việc thuyết phục dân hiện công ty nhờ chính quyền địa phương chứ bản thân công ty không thể làm được. Nhà máy cũng “đứng bánh” từ khi xảy ra sự cố đến nay. 

Công Bính