Yên Bái chăm lo đời sống người dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thấm nhuần tư tưởng của Bác về xóa đói giảm nghèo, những năm qua, công tác giảm nghèo của tỉnh Yên Bái đã được các cấp, các ngành và nhân dân tích cực hưởng ứng, triển khai nhiều hoạt động.

Yên Bái chăm lo đời sống người dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh - 1

Lãnh đạo xã và lực lượng công an cùng nhân dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu.

Bác Hồ là người luôn luôn chăm lo đến đời sống nhân dân và đặc biệt chú ý đến vấn đề đói nghèo. Người kiến lập và đặt nền móng tư tưởng vĩ đại "xóa đói, giảm nghèo". Người đã tìm ra đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh.

Xóa đói giảm nghèo, theo Người là "Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người giàu thì giàu thêm". Ý nghĩa sâu xa trong tư tưởng xóa đói, giảm nghèo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bên cạnh xóa đói, giảm nghèo về vật chất phải chú ý cả xóa đói, giảm nghèo về tinh thần. Đó là giá trị to lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xóa đói giảm nghèo mà chúng ta cần vận dụng sáng tạo trong tình hình mới.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác, những năm qua, công tác giảm nghèo của tỉnh Yên Bái đã được các cấp, các ngành và nhân dân tích cực hưởng ứng, triển khai nhiều hoạt động: hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Qua đó, đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi về nhận thức, tư duy, từng bước mạnh dạn, chủ động vươn lên thoát nghèo trên cơ sở áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Do vậy, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh đã đạt kết quả quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo ngày một nâng lên. Nhờ đó, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo là 18,07%; đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,16%, giảm 8,91% so với cuối năm 2021, bình quân giảm 4,45%/năm, đạt 135% so với mục tiêu của tỉnh và đạt 148% so với mục tiêu Trung ương giao.

Riêng hai huyện nghèo là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 huyện giảm từ 59,09% cuối năm 2021 xuống còn 42,27% vào cuối năm 2023, bình quân mỗi năm giảm 8,4%. Trong đó, huyện Trạm Tấu giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo là 6,95%/năm, đạt 106,9% kế hoạch của tỉnh; huyện Mù Cang Chải giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo là 9,17%/năm, đạt 119,5% kế hoạch của tỉnh. Song song với đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số so với tổng số hộ dân tộc thiểu số giảm từ 30,36% vào cuối năm 2021 xuống còn 16,4% vào cuối năm 2023, giảm bình quân 6,98%/năm, đạt 141% kế hoạch tỉnh.

Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm, kịp thời tháo gỡ cơ bản các nội dung khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình đảm bảo hiệu quả, kịp thời. Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện nay, nội dung khó khăn liên quan đến việc các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên chưa được coi là đối tượng thụ hưởng của Chương trình, gây ra nhiều khó khăn trong việc thực hiện Dự án 4, Phát triển Giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững.

Cùng đó, việc quy định hoặc giải thích khái niệm "người lao động có thu nhập thấp" chưa rõ, vì vậy, các địa phương chưa có căn cứ triển khai. Do đó, đề nghị: Thủ tướng Chính phủ sớm sửa đổi Quyết định số 90/QĐ-TTg theo hướng: bổ sung đối tượng "Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên" vào danh sách đối tượng thụ hưởng của Chương trình; các bộ, ngành liên quan sớm có văn bản quy định hoặc giải thích cụ thể về khái niệm "người lao động có thu nhập thấp" để các địa phương có căn cứ triển khai hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này.

Tư tưởng của Người đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự: Phát triển bền vững phải bao hàm cả vật chất và tinh thần. Đó là giá trị to lớn trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xóa đói, giảm nghèo mà chúng ta cần vận dụng sáng tạo trong điều kiện tình hình mới, phấn đấu đạt mục tiêu chung: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thiết nghĩ, để giảm nghèo bền vững cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi cách nghĩ của một bộ phận người nghèo; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương.

Đặc biệt, không chỉ nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người nghèo cần có tư duy mới để tìm hướng đi thích hợp, mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, khi nông nghiệp được cơ giới hóa một phần thì thời gian nông nhàn càng nhiều nên các địa phương cần mở thêm ngành nghề theo hướng đa ngành, đa nghề, giúp người nghèo có thêm thu nhập, nâng cao đời sống, giảm nghèo mới mang lại hiệu quả bền vững.

Trần Minh

Theo baoyenbai.com.vn