Xuân về nhớ thơ Bác
Trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù bận rất nhiều công việc, nhưng mỗi dịp Xuân về, Bác đều gửi những vần thơ chúc Tết đồng bào và chiến sỹ cả nước.
Xuân Giáp Thìn năm 1964, Người viết thư "Chúc mừng năm mới" với mong ước Bắc Nam vui chung một nhà. 60 năm đã trôi qua, lời mong ước của Bác đã thành hiện thực, đất nước thống nhất, hai miền Nam - Bắc cùng nhau xây dựng, phát triển đất nước.
Cả cuộc đời của lãnh tụ Hồ Chí Minh đều mong muốn thiết tha Bắc - Nam sum họp một nhà. Người luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam, bởi "Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi".
Mùa Xuân năm 1964, trong Thư "Chúc mừng năm mới", niềm mong mỏi thiết tha ấy, lại cất lên trong những vần thơ da diết:
"Bắc Nam như cội với cành
Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng
Rồi đây thống nhất thành công
Bắc Nam ta lại vui chung một nhà"[1].
Rời bến cảng Nhà Rồng năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành mang theo một quyết tâm cháy bỏng "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi". Từ khi ra đi tìm đường cứu nước, cho đến khi đất nước giành được độc lập với cách mạng tháng Tám năm 1945, bước tiếp vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ, lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn sát cánh, chia sẻ đau thương mất mát với đồng bào miền Nam anh dũng kiên cường - Thành đồng Tổ quốc.
Trong trái tim rộng lớn của Người, mỗi câu nói, mỗi việc làm, mỗi khi ở đâu, làm gì, đều ghi đậm dấu hình Nam Bộ. Người nói: "Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi"[2] và "Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên."[3].
Ngày 6/1/1946, trước khi lên đường sang Pháp với tư cách là Thượng khách của Chính phủ Pháp, trước những băn khoăn của đồng bào Nam Bộ, Bác đã gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định: "Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi"[4].
Kỷ niệm 6 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến, Bác viết: "Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam Bộ"[5].
Kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng, nhưng miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu để bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bác dặn dò bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (9/1954) với một lời hứa và cũng là niềm mong mỏi của Người: "Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó, rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta"[6].
Tháng 2/1958, trong Tuyên bố tại cuộc họp báo ở Niu ĐêLi (Ấn Độ) về vấn đề thống nhất nước Việt Nam, quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng và các nước trong phe XHCN, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Miền Nam là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi"[7].
Ngày 23/10/1963, trong Lời chào mừng các đoàn đại biểu công đoàn quốc tế, Người bày tỏ tình cảm đối với Đoàn đại biểu Hội Lao động giải phóng miền Nam Việt Nam: "Trái tim của tôi và 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn luôn đập một nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam"[8].
Năm 1963, khi được tin Quốc hội tặng thưởng Huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã cảm ơn Quốc hội và nói: "Trong khi miền Bắc ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội để ủng hộ đồng bào miền Nam, thì đồng bào miền Nam đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ công cuộc xây dựng hòa bình ở miền Bắc. Cho nên nhân dân miền Bắc từng giờ từng phút nhớ đến đồng bào miền Nam. Gần 20 năm trường, hết đấu tranh chống thực dân Pháp, lại đấu tranh chống Mỹ - Diệm, đồng bào miền Nam thật là những người con anh hùng của dân tộc anh hùng Việt Nam. Miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu "Thành đồng của Tổ quốc" và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất. Vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng"[9].
Năm 1965, gặp Đoàn anh hùng dũng sỹ miền Nam ra thăm miền Bắc, khi cả Đoàn khóc vì sung sướng, cảm động, Người xúc động nói: "Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm".
Bác hỏi chuyện chiến trường và được biết tâm tư của đồng bào cán bộ chiến sỹ miền Nam "không sợ gian khổ, không sợ chết mà chỉ sợ một điều… sau này không được nhìn thấy Bác". Vừa nghe xong, Bác trào dâng nước mắt, khóc vì thương nhớ miền Nam.
Tháng 8/1969, Bác nằm trên giường bệnh nhưng vẫn nghe báo cáo tình hình chiến trường, vẫn theo dõi bản đồ chiến sự miền Nam. Mỗi khi tỉnh dậy sau cơn mệt nặng, bao giờ Bác cũng hỏi tin tức về miền Nam, chưa vào được miền Nam, Bác yêu cầu hễ có đồng chí, đồng bào nào từ miền Nam ra thì phải cho Bác biết và đưa vào gặp Bác.
Trước lúc đi xa, trong Bản Di chúc, Bác đã dành tình cảm, niềm tin mãnh liệt cho đồng bào miền Nam, cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Người viết: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà"[10] và dặn dò: "Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam"[11].
************
Ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ước nguyện Bắc Nam sum họp một nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hiện thực.
Xuân Giáp Thìn 2024, Đảng ta với 94 năm ra đời, phát triển, luôn kiên định mục tiêu độc lập, thống nhất, lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, đáp ứng mong mỏi của Người, Đồng bào miền Nam đã, đang và luôn phấn đấu cùng nhân dân cả nước học tập, làm theo, noi gương Bác, chung sức, đồng lòng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, đúng như Di chúc của Người.
___________________
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr 674.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr 224.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr 470.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr 280.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr 496.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr 60.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr 266.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr 190.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr 80.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr 613.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr 614.
TS. DƯƠNG MINH HUỆ
HỌC VIỆN CTQG HỒ CHÍ MINH