1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xử lý nghiêm hành vi tự ý gây nuôi gián đất

(Dân trí) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu tỉnh Bắc Ninh cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về việc tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất trên địa bàn.



Trước thực trạng thời gian gần đây, một số hộ dân trên địa bàn hai huyện Gia Bình và Lương Tài của tỉnh Bắc Ninh tự ý nhập khẩu và gây nuôi con gián đất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã nhận được Công văn số 36/SNN-CN ngày 08/01/2014 của Sở NN&PTNT Bắc Ninh về việc xin ý kiến chỉ đạo mô hình nuôi gián đất.


Hướng xử lý của Bộ NN&PTNT.

Hướng xử lý của Bộ NN&PTNT.

 

Sau khi nghiên cứu nội dung, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 810/BNN-CN ngày 07/03/2014 gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về việc tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất trên địa bàn, đồng thời kiểm điểm rút kinh nghiệm về trách nhiệm quản lý của các cá nhân, đơn vị liên quan; Tuyên truyền cho người dân hiểu rằng việc tự ý gây nuôi gián đất là việc làm có tiềm ẩn nhiều rủi ro, không được tự ý gây nuôi khi chưa được phép của Bộ NN&PTNT theo qui định tại Điều 15 và Điều 17 Pháp lệnh giống vật nuôi hoặc của cơ quan chức năng quy định tại điều 52 Luật Đa dạng sinh học.

 

Công văn của Bộ NN&PTNT còn giải thích thêm: Căn cư Pháp lệnh giống vật nuôi số 16/2004/PL-UBTVQH 11 ngày 24/3/2004 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội khóa 11; Quyết định số 67/2005/QĐ-BNN ngày 31/10/2005 của Bộ NN&PTNT Ban hành danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh, việc người dân tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất là việc làm bị cấm do gián đất chưa có trong danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh; căn cứ Luật đa dạng sinh học số 20/2008/QH 12 ngày 13/11/2008 của Quốc Hội khóa 12, việc nhập khẩu và gây nuôi gián đất của người dân bắt buộc phải thực hiện các qui định kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

 

Về cơ sở thực tiễn khoa học cho đến nay chưa có tài liệu chính thức khẳng định tính cơ lợi của gián và hiệu quả của việc gây nuôi gián; thực tế gián là loài côn trùng có thể làm trung gian truyền một số bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, dịch tả và là thủ phạm gặm nhấm làm hư hỏng các vật dụng như quần áo, sách vở; Bộ Y tế đã Công bố các loại chế phẩm diệt côn trùng tại quyết định số 07/QĐ-MT ngày 17/01/2012, theo đó có 4/10 chế phẩm dùng để diệt gián, hàng năm tại các gia đình Việt Nam tốn kém rất nhiều tiền để tiêu diệt gián.

 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Thái Ninh - Trưởng phòng chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh - cho biết: “Ngày 17/3 chúng tôi mới chính thức nhận được Công văn của Bộ NN&PTNT về việc xử lý con gián đất này, sau khi nghiên cứu văn bản của Bộ NN&PTNT thì chúng tôi sẽ đề xuất với UBND tỉnh để có biện pháp xử lý… Các hộ có đầu tư vào đó tốn kém bao nhiêu mình cũng phải thực hiện xử lý theo ý kiến chỉ đạo của Bộ NN&PTNT”.

 

Nguyễn Dương