Xoay xở tăng lương: Nghịch lý nơi thâm hụt, nơi thừa tiền, tiêu không hết
(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước thống kê 7 tỉnh chi tiêu thâm hụt hơn 2.400 tỷ đồng để cải cách tiền lương. Ngược lại, một số địa phương có nguồn cải cách tiền lương dư lớn nhưng không sử dụng hết…
Cho ý kiến về dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 của Chính phủ, Kiếm toán Nhà nước nhận định khái quát, việc quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương ở nhiều nơi chưa nghiêm túc.
Cụ thể, có 7/36 địa phương được kiểm toán sử dụng nguồn cải cách tiền lương năm 2018 để chi bù hụt thu 2.451,2 tỷ đồng: tỉnh Bình Dương 1.313 tỷ đồng, Đồng Nai 807 tỷ đồng, Thanh Hóa 229,7 tỷ đồng, Hưng Yên 54,4 tỷ đồng, Kon Tum 20,5 tỷ đồng, Hậu Giang 10,4 tỷ đồng, Phú Yên (thành phố Tuy Hòa 10 tỷ đồng), Lâm Đồng (huyện Đam Rông 6,2 tỷ đồng).
Ngoài ra, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc thông tin, một số địa phương có nguồn cải cách tiền lương dư lớn nhưng không sử dụng hết.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương và tinh giản biên chế năm 2020 là 61.500 tỷ đồng (năm 2019 là 16.200 tỷ đồng - PV).
Để thực hiện Nghị quyết số 27 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương là hàng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương, Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ đồng thời có chính sách hướng dẫn kịp thời, phù hợp trong việc quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương.
Về dự toán chi ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, dự toán chi cân đối ngân sách năm 2020 là 1,75 triệu tỷ đồng, tăng 113.800 tỷ đồng so với dự toán năm 2019, bằng 25,7%GDP.
Cơ cấu chi có xu hướng chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 60,5% tổng chi ngân sách, thấp hơn mục tiêu đề ra dưới 64% giai đoạn 2016-2020. Chi đầu tư phát triển chiếm 26,9% cao hơn so với mục tiêu (25-26% tổng chi ngân sách) đề ra giai đoạn 2016-2020.
Vẫn theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2020 là 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019, tăng 7,2% so với dự toán năm 2019.
Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 22,2%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 19,4%GDP. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí này được Kiểm toán nhà nước xác định là thấp nhất trong những năm gần đây.
Phương Thảo