Xem xét việc chi 36.000 tỷ đồng hỗ trợ 20 triệu người khó khăn do Covid-19
(Dân trí) - UB Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập phiên họp sáng mai, 8/4, để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo đề nghị của Chính phủ.
Theo kế hoạch, phiên họp thứ 44 của UB Thường vụ Quốc hội đến ngày 20/4 mới diễn ra. Tuy nhiên, theo đề xuất của Chính phủ, do tính cấp thiết của vấn đề, Thường vụ Quốc hội họp riêng một buổi sáng để có thể giải quyết nhanh việc hỗ trợ người dân.
Đến nay, đề xuất của Chính phủ đã được gửi tới UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và sáng nay, 7/4, Thường trực UB này đã tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra các nội dung.
Tại cuộc họp, nhìn chung, các ý kiến tại đây đều ủng hộ đề xuất của Chính phủ song lưu ý cần cụ thể hơn về đối tượng hỗ trợ phải là bị ảnh hưởng về thu nhập, giảm sâu hoặc không có thu nhập.
Trước đó, ngày 6/4, Chính phủ đã có báo cáo số 121 gửi UB Thường vụ Quốc hội về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo, quy mô hỗ trợ (bao gồm cả trực tiếp từ ngân sách nhà nước, gián tiếp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội) dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng.
Cụ thể, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương khoảng 22.000-23.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ sử dụng 19.000-20.000 tỷ đồng nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của năm 2019. Số còn lại sẽ bố trí từ nguồn dự phòng năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên (giảm chi hội họp, tổ chức lễ hội, đi công tác trong và ngoài nước...) và các nguồn hợp pháp khác theo quy định.
Ngân sách địa phương chi khoảng 13.000 - 14.000 tỷ đồng, dự kiến bố trí từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách địa phương năm 2019, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách địa phương năm 2020 và nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn hợp pháp khác theo quy định.
Để thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân bị tác động bởi dịch Covid-19, Chính phủ đề nghị UB Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc triển khai thực hiện ngay gói hỗ trợ nêu trên.
Cụ thể, Chính phủ muốn được sử dụng khoảng 19.000 – 20.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân.
Chính phủ cũng đề nghị UB Thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép Chính phủ thực hiện ngay và báo cáo Quốc hội các vấn đề như, cho phép người sử dụng lao động và người lao động tạm dừng đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng.
Sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong thời gian chờ Quốc hội xem xét, quyết định, cho phép Chính phủ chủ động bố trí nguồn để hỗ trợ các đối tượng này.
Căn cứ yêu cầu thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách nhà nước, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ cho phù hợp.
Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội tình hình tổ chức thực hiện tại Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Trước đó, trong phiên họp UB Thường vụ Quốc hội thứ 43, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã lưu ý, phần tăng thu ngân sách năm 2019 đừng chia cho đầu tư, trừ những vấn đề cấp thiết nhất, còn lại dự phòng cho phòng chống dịch Covid-19.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định, Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội sẽ đồng hành, sát cánh, sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho Chính phủ để tập trung triển khai tốt nhất các biện pháp chống dịch.
Phương Thảo