1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xe tải tràn vào Đại học Quốc gia TPHCM, người dân thấp thỏm

Xuân Đoàn

(Dân trí) - Đường trục chính Đông Tây của TP Dĩ An (Bình Dương) bị cụt đoạn cuối, nhiều phương tiện không thể lưu thông nên đi tắt vào Đại học Quốc gia TPHCM khiến giao thông trong khu vực tăng đột biến.

"Khủng khiếp thật, đường trong khu đô thị mà xe phóng ầm ầm như ngoài quốc lộ", ông Nguyễn Văn Thông (ngụ khu phố Tân Lập, phường Đông Hòa, TP Dĩ An, Bình Dương) ngồi trước nhà nhìn ra đường, phàn nàn.

Không riêng ông Thông, khoảng 3 tháng nay, người dân, sinh viên sống tại khu phố Tân Lập thuộc Đại học Quốc gia TPHCM lo lắng vì giao thông trong khu vực trở nên hỗn loạn, xe tải, xe ben phóng bạt mạng ngày đêm.

Xe tải tràn vào Đại học Quốc gia TPHCM, người dân thấp thỏm - 1

Chiếc xe ben hàng chục tấn chạy vào đường Vành đai (chỉ cho phép tải trọng 5 tấn) (Ảnh: Xuân Đoàn).

Phóng ầm ầm

Ông Thông cho biết, trước đây, đường Vành đai Đại học Quốc gia TPHCM (phía sau ký túc xá khu A), chủ yếu là xe máy lưu thông, thỉnh thoảng có vài chiếc ô tô con và xe tải nhỏ chở hàng hóa cho các hàng quán trong khu vực.

Thế nhưng, khoảng 3 tháng nay, lượng xe lưu thông trên con đường này tăng lên gấp nhiều lần, ô tô con, xe tải nhỏ, tải lớn, xe ben, xe bồn… chạy ầm ầm bất kể ngày đêm.

"Người dân ở đây thấy xe buýt là sợ rồi, giờ thêm mấy chiếc xe tải nối đuôi chạy bạt mạng, bấm còi inh ỏi. Xe máy qua lại nhiều mà mấy ông tài xế có chịu nhường đâu", ông Thông bức xúc.

Chị Ngô Kiều Trang chia sẻ, mỗi buổi chiều, chị thường dẫn con gái nhỏ 3 tuổi đi dạo trên vỉa hè của đường Vành đai. Thời gian gần đây, xe tải chạy rầm rầm, bóp còi làm con chị bị giật mình, cộng thêm bụi bặm nên chị không còn đi nữa.

"Ở đây chủ yếu là sinh viên, nhiều bạn nữ tay lái yếu rất dễ bị giật mình. Dọc bên đường là hàng quán vỉa hè, mọi người ngồi ăn uống trò chuyện rất đông, các xe chạy tốc độ nhanh như vậy nếu lỡ mất lái thì sẽ rất nguy hiểm. Ngồi ăn mà nghe tiếng xe từ xa là phải nhìn ra cảnh giác", anh Lân (sinh viên) chia sẻ.

Anh Lê Hoàng Phúc (thầy dạy lái ô tô) kể, anh hay dùng con đường này để tập xe cho học viên. Hiện các xe tải chạy ào ào, nguy hiểm nên anh chuyển qua khu khác để tập.

Xe tải tràn vào Đại học Quốc gia TPHCM, người dân thấp thỏm - 2

Xe tải bon bon trên đường Tân Lập nhỏ hẹp vào ban đêm (Ảnh: Xuân Đoàn).

Cùng cảnh ngộ với đường Vành đai là tuyến đường Tân Lập. Hai con đường này song song với nhau, chỉ cách vài chục mét. Vậy nên xe nào không chạy vào đường Vành đai thì sẽ đi vào đường Tân Lập.

Theo ghi nhận của Dân trí, đường Tân Lập rất sầm uất, con đường dài chỉ vài trăm mét, có tới 3 tòa nhà chung cư, nhiều nhà nghỉ, khách sạn, cửa hàng tiện lợi, hàng quán… nên người dân, sinh viên qua lại rất nhộn nhịp.

Tuy nhiên, con đường này lại rộng chưa tới 10m, đầu đường có biển báo hạn chế tải trọng 10 tấn, trong khi đường Vành đai là 5 tấn.

"Đường nhỏ xíu, người dân đi bộ, đi xe máy băng qua băng lại liên tục mà nay xuất hiện thêm mấy chiếc xe tải chạy vào đường này thì rất nguy hiểm. Chỉ cần 2 chiếc xe tải chạy song song là hết đường, xe máy phải dạt ra hai bên", chị Thu Ngân, người dân sống trên đường Tân Lập, nói.

Không chỉ ngoài đường lớn, đường trong khu dân cư cũng bị các xe tải "giằng xé" ngày đêm. Đường N1 - thuộc khu dân cư 61 (khu phố Tân Lập) - là đường nối đường Vành đai với đường Tân Lập, nhiều xe tải đi xuyên qua con đường N1 để ra 2 đường kia, làm cho người dân trong khu dân cư này cảm thấy phiền toái.

Xe tải tràn vào Đại học Quốc gia TPHCM, người dân thấp thỏm - 3

Xe tải, xe ben chạy liên tục trên đường Vành đai Đại học Quốc gia TPHCM (Ảnh: Xuân Đoàn).

Ghi nhận thực tế của Dân trí trong hai ngày 6-7/11, giao thông trong khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM không khác mấy so với ngoài quốc lộ, các xe tải chở hàng, xe buýt qua lại liên tục. Thỉnh thoảng sẽ xuất hiện vài chiếc xe ben, xe tải lớn chạy trên đường Vành đai.

Nếu ngại đi đường Vành đai (tải trọng cho phép 5 tấn), nhiều xe chọn cách đi vào đường N1 rồi rẽ ra đường Tân Lập (tải trong cho phép 10 tấn). Tất cả các xe này đều chạy ra Xa lộ Hà Nội và ngược lại.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn tới việc lượng xe lưu thông tăng đột biến trong khu vực Đại học Quốc gia TPHCM là do tuyến đường trục chính Đông Tây chưa thể kết nối ra Xa lộ Hà Nội.

Đường trục chính Đông Tây nối quốc lộ 1K với Xa lộ Hà Nội, Bến xe miền Đông mới. Tuy nhiên, hiện nay đoạn kết nối với Xa lộ Hà Nội chưa làm xong nên bị cụt, các xe đành phải đi vào Đại học Quốc gia để ra Xa lộ Hà Nội.

Gánh xe quá tải

Đường Vành đai Đại học Quốc gia cho phép tốc độ 40km/h, hạn chế tải trọng 5 tấn. Thế nhưng, theo ghi nhận thực tế của Dân trí những ngày qua, có nhiều xe ben, xe tải hàng chục tấn vẫn bon bon trên con đường này.

Lúc 10h13 ngày 5/11, một chiếc xe tải 4 chân chạy từ xa lộ Hà Nội rẽ vào Đại học Quốc gia rồi chạy trên đường Vành đai để ra đường trục chính Đông Tây.

Hai phút sau, 2 chiếc xe ben khác nối đuôi nhau chạy từ đường Vành đai ra đường trục chính Đông Tây. Khoảng 30 phút sau, hai "hung thần" này quay lại, đi theo đường Vành đai rồi rẽ ra Xa lộ Hà Nội.

Vào ban đêm, những chiếc xe ben phóng ào ào làm cho người dân bên đường, sinh viên trong ký túc xá không yên giấc.

Ghi nhận của phóng viên, một tài xế lái chiếc xe tải nặng hàng chục tấn đi vào đường Vành đai, thấy có biển báo 5 tấn, tài xế dừng lại đưa đầu ra ngoài cabin hỏi những người trong quán bún bên kia đường "đường này đi được không?". Khi có người trả lời "đường 5 tấn kìa", một người khác nói "thôi lỡ rồi đi luôn đi, chạy chậm thôi". Ngay lập tức, chiếc xe ì ạch trên đường Vành đai để ra Xa lộ Hà Nội.

Một số tài xế cho biết, họ đi theo chỉ dẫn của Google Maps vì không rành đường trong khu vực này.

Xe tải tràn vào Đại học Quốc gia TPHCM, người dân thấp thỏm - 4

Một chiếc xe tải 4 chân chạy trên đường Vành đai chỉ cho phép tải trọng 5 tấn (Ảnh: Xuân Đoàn).

Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo UBND TP Dĩ An cho biết, đường trục chính Đông Tây do TP Dĩ An phối hợp cùng TP HCM thực hiện, dài hơn 3km với tổng kinh phí khoảng 729 tỷ đồng.

Hiện nay có 3km đã hoàn thành và thông xe, còn khoảng 50m cuối thuộc Xa lộ Hà Nội thì TPHCM chưa triển khai nên bị cụt.

Do đó, UBND TP Dĩ An đã xin làm luôn đoạn này và được chấp thuận. Hiện các đơn vị tiến hành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, dự kiến cuối năm nay sẽ tiến hành thi công.

Còn về tình trạng nhiều ô tô đi tắt vào Đại học Quốc gia TPHCM gây nên tình trạng hỗn loạn, người dân bất an, lãnh đạo TP Dĩ An cho biết, đơn vị sẽ báo cho Ban an toàn giao thông thành phố đi kiểm tra thực tế để có phương án xử lý.