An Giang:
Xây dựng Nông thôn mới ở huyện biên giới: Cần sự đồng lòng!
(Dân trí) - Khi huyện Tịnh Biên bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện chỉ có 01 xã đạt 3 tiêu chí, 02 xã đạt 2 tiêu chí, 06 xã đạt 1 tiêu chí và 02 xã chưa đạt được tiêu chí nào. Nhưng qua 10 năm xây dựng NTM, đến nay toàn huyện có 04/11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Từ 5.385 hộ nghèo, giảm còn hơn 1.500 hộ; thu nhập bình quân đầu người dưới 13 triệu đồng nay tăng lên 36 triệu đồng/người/năm. Đạt được kết quả này, Đảng bộ và nhân dân huyện Tịnh Biên đoàn kết quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn, chung tay xây dựng nông thôn mới trong nhiều năm qua.
Từ con số 0 đến 4 xã đạt NTM...
Tịnh Biên là huyện miền núi, dân tộc và biên giới với dân số toàn huyện 30.564 hộ dân, với 122.160 người, có nhiều đồng bào Khmer. Năm 2010, trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện với xuất phát điểm rất thấp, chỉ có 01 xã đạt 3 tiêu chí, 02 xã đạt 2 tiêu chí, 06 xã đạt 1 tiêu chí và 02 xã chưa đạt được tiêu chí nào.
Người dân sống bằng nghề nông nghiệp sản xuất thuần nông là chính chưa tạo được sức hút chuyển dịch cơ cấu, thu nhập chỉ đạt dưới 13 triệu đồng/người/năm; trình độ dân trí tương đối ở mức thấp số hộ nghèo khá cao (có đến 5.385 hộ); nhà tạm dột nát còn nhiều (3.895 căn); Đường giao thông nông thôn đa phần chưa được nhựa hóa, người dân đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa nông sản gặp nhiều khó khăn...
Khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, Huyện Tịnh Biên xác định cần thực hiện 5 nội dung cơ bản là: Thứ nhất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của người dân; Thứ hai, phát triển hạ tầng kinh tế xã hội; Thứ ba, phát triển sản xuất và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả trong nông thôn; Thứ tư, phát triển văn hóa xã hội, môi trường và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; Thứ 5, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững trên địa bàn huyện.
Từ thực tế trên, huyện Tịnh Biên chính thức bước vào công tác xây dựng nông thôn mới; được sự quan tâm và chỉ đạo của các cấp Ủy đảng, Chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình ủng hộ.
Trải qua 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đến nay chương trình đã đạt được những kết quả nhất định, diện mạo ở nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng cải thiện và nâng cao. Bình quân toàn huyện đạt 14 tiêu chí/xã, so với năm 2010 (lúc bắt đầu triển khai Chương trình) tăng 12,82 tiêu chí/xã và gấp 11,86 lần (năm 2010 bình quân 1,18 tiêu chí/xã); toàn huyện có 04/11 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới gồm xã Núi Voi, Thới Sơn, Tân Lợi và Nhơn Hưng chiếm tỷ lệ 36,36% (so với trước đây chưa có xã nào đạt chuẩn); các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên (so với trước đây không có xã nào đạt trên 3 tiêu chí). tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và bền vững còn 1.502 hộ (giảm 3.883 hộ) giảm 72,1%; nhà tạm dột nát giảm còn 1.871 căn (giảm 2.024 căn).
... bài học kinh nghiệm
Theo Ban chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM huyện Tịnh Biên, nhiệm vụ xây dựng NTM là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân phải có sự nhận thức cao và tích cực tham gia hưởng ứng tốt trong thực hiện.
Qua kết quả thực hiện chương trình huyện Tịnh Biên đã rút ra một số kinh nghiệm, như: cần làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới theo tinh thần người dân là chủ, phải tự làm là chính và họ là người được hưởng thụ, Nhà nước chỉ có vai trò hỗ trợ, lợi ích của người dân là động lực và sự tham gia của công đồng dân cư.
Cần có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, sâu sát, quyết liệt, có cách làm năng động, sáng tạo, phát huy được lợi thế của địa phương và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị; tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngoài ra, xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài phải có bước đi lộ trình thích hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương; thực hiện nguyên tắc các tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau; phải thật sự chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ từ kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập đến nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần của người dân, trong đó có cả tiêu chí về môi trường...
Trong thời gian tới huyện tiếp tục tập trung xây dựng NTM, để từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển du lịch; gắn xây dựng NTM với phát triển đô thị theo quy hoạch, giàu bản sắc dân tộc, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Nguyễn Hành