Vĩnh Phúc nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến
(Dân trí) - Lãnh đạo Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh đang kiểm tra, đánh giá thực trạng việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên địa bàn để khắc phục các hạn chế, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Thời gian qua, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính ở mức độ cao được UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Điều này đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu đáp ứng tối đa lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có gần 2.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2, 3, 4, trong đó có 792 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Đến nay, địa phương đã kết nối 744 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tính từ ngày 1/1 đến hết 31/10, toàn tỉnh đã thực hiện gần 8.920 giao dịch thanh toán trực tuyến với tổng số tiền giao dịch hơn 8,1 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh bạch khi giải quyết thủ tục hành chính. Điều này còn giúp nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đơn cử, với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, tổ chức, công dân có thể đăng ký hồ sơ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi; việc tra cứu thông tin về thủ tục, tình trạng hồ sơ nhanh chóng, thuận lợi.
Với vài thao tác đơn giản trên máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối internet, hồ sơ đăng ký đã được gửi tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Còn với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, người sử dụng sẽ nhận được kết quả giải quyết thủ tục hành chính gửi qua đường bưu điện; thực hiện thanh toán phí, lệ phí, cước phí bưu chính theo quy định mà không cần đến cơ quan Nhà nước.
Cùng với đó, ứng dụng phần mềm liên thông giữa Cổng dịch vụ công Quốc gia đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm giấy tờ, giảm công sức và thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho tổ chức, công dân.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa cao và còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu là do người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, chưa hình thành thói quen giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến. Nhiều người chưa tiếp xúc nhiều với công nghệ thông tin nên thường lựa chọn cách thức nộp hồ sơ và trả kết quả trực tiếp tại bộ phận một cửa các cấp.
Bên cạnh đó, việc mở tài khoản qua dịch vụ công yêu cầu phải có số điện thoại chính chủ. Trong khi, nhiều người dân sử dụng số điện thoại không chính chủ hoặc thông tin của nhà mạng không khớp với dữ liệu quốc gia dân cư. Điều này khiến việc cấp tài khoản trên Cổng dịch vụ công gặp nhiều khó khăn.
Trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin tuy đã được trang bị nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Nhằm tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 để đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo kiểm tra, đánh giá thực trạng việc triển khai và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên địa bàn. Điều này giúp tỉnh kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, yếu kém, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cùng với đó, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích của các thủ tục hành chính được thực hiện qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Tất cả các trường hợp bảo đảm đủ điều kiện nộp hồ sơ trực tuyến, cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm hướng dẫn tạo lập tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến theo quy định.
"Hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, ngoài sự nỗ lực từ phía chính quyền, người dân và doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức, tin tưởng và hiểu rõ lợi ích lớn của dịch vụ công mang lại, tích cực sử dụng các dịch vụ công do cơ quan, đơn vị cung cấp để tạo thói quen, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại và bảo đảm thuận tiện", đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ.