Viết tiếp truyền thống ngôi trường 8 lần vinh dự được đón Bác Hồ

Trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiếm có cơ sở đào tạo đại học nào vinh dự được 8 lần đón Bác Hồ về thăm như Học viện An ninh nhân dân (ANND).

Những lời căn dặn, huấn thị, động viên sâu sắc, ấm áp mà Bác Hồ dành cho các cán bộ Trường Công an Trung ương (tiền thân của Học viện ANND ngày nay) đã trở thành niềm kiêu hãnh, tự hào, là động lực thúc đẩy phong trào dạy và học của nhà trường trong hơn 77 năm qua, giúp Học viện ANND đạt được nhiều thành tựu xuất sắc trong công tác giáo dục đào tạo. Hai lần nhà trường vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một Huân chương Sao Vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý…

Viết tiếp truyền thống ngôi trường 8 lần vinh dự được đón Bác Hồ - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị học tập 3 chuyên đề do Bộ Công an tổ chức tại Trường Công an Trung ương (nay là Học viện ANND) ngày 29/4/1963.

Trò chuyện với chúng tôi, Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện ANND cho hay, trong suốt chiều dài lịch sử hơn 77 năm xây dựng và phát triển với nhiều tên gọi khác nhau, Học viện ANND luôn tiếp thu và thực hiện những lời huấn thị, dạy bảo sâu sắc của Bác Hồ về xây dựng lực lượng nói chung, về công tác đào tạo, huấn luyện của nhà trường nói riêng. Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên của nhà trường luôn đặt lên hàng đầu mục tiêu đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, có đức, có tài để đáp ứng những đòi hỏi của lịch sử; xứng đáng với niềm tin và trọng trách mà Đảng, Bác Hồ giao phó.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Trung tướng Lê Văn Thắng kể rằng, lần đầu tiên ông được nghe chuyện Bác Hồ về thăm Học viện ANND là do mẹ ông kể. Ngày ấy bà là cấp dưỡng công tác tại Học viện ANND. Dù còn rất nhỏ, nhưng cậu bé Lê Văn Thắng cũng cảm nhận được sự tự hào trong mắt mẹ mình khi kể về câu chuyện Bác Hồ đến thăm trường. Bác còn chia nhiều bánh kẹo cho các em nhỏ là con em cán bộ trong trường. Sau này, khi cậu bé Lê Văn Thắng trở thành học viên của khóa D12, Học viện ANND, ông đã được học nhiều người thầy đáng kính như thầy Quách Văn Hựu, thầy Đỗ Bính, thầy Phan Hữu, thầy Phạm Văn Các, thầy Phạm Minh, thầy Lê Hiển… Khi giảng bài cho học viên, các thầy luôn nhắc tới những lời dạy bảo của Bác Hồ khi Bác về thăm và làm việc tại Trường Công an Trung ương. Bác nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Công an phải nhận thức đúng vai trò, sức mạnh của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng. Bác dạy: "Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn"…

Những lời răn dạy đó như in mãi trong tâm trí Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng, làm cho ông luôn cảm thấy yêu ngành, yêu nghề, yêu trường hơn, giúp ông luôn xác định cho mình ý chí phấn đấu vươn lên không ngừng. "Với cá nhân tôi, dù ở cương vị nào, tôi cũng như những đồng chí, đồng đội đã và đang gắn bó với mái trường C500 - Học viện ANND đều thấm thía lời dạy của Bác Hồ thông qua bài thơ của Người:

"Đoàn kết, cảnh giác/Liêm, chính, kiệm, cần/Hoàn thành nhiệm vụ/ Khắc phục khó khăn/Dũng cảm trước địch/Vì nước quên thân/Trung thành với Đảng/Tận tụy với dân".

Bài thơ này Bác Hồ dành tặng các cán bộ, giảng viên Trường Công an Trung ương nhân dịp Người về đây nói chuyện vào ngày 28/1/1958. Đây là những lời dạy mà những đồng chí đang khoác trên mình bộ quân phục CAND đều phải khắc cốt, ghi tâm để có thể tự tu chí, luyện rèn bản thân, để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng, giao phó", Trung tướng Lê Văn Thắng trải lòng.

Viết tiếp truyền thống ngôi trường 8 lần vinh dự được đón Bác Hồ - 2

Trung tướng, PGS. TS Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện ANND trao quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2022 cho các nhà giáo.

Trải qua hơn 77 năm xây dựng và phát triển, từ lớp huấn luyện Công an trung cấp đầu tiên được khai giảng ngày 15/7/1946, đến nay, Học viện ANND đã trở thành cơ sở đào tạo đa ngành và chuyên sâu. Học viện ANND đã đào tạo hàng vạn sĩ quan ANND có trình độ về lý luận, nghiệp vụ, pháp luật, có bản lĩnh chính trị và phẩm chất cần thiết đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Đến nay, nhiều cựu học viên của Học viện ANND - những "mẻ thép" được rèn luyện thử thách tại mái trường C500, đã trưởng thành và đạt nhiều thành tích qua thực tiễn công tác, trở thành nguồn cán bộ chất lượng cao cho ngành Công an và cho một số cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Nhiều đồng chí đã và đang giữ những trọng trách của Đảng, Nhà nước và ngành Công an. Gần 200 cựu học viên của Học viện được phong quân hàm cấp tướng, được phong tặng danh hiệu Giáo sư, Phó giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bên cạnh đó, Học viện đã xây dựng được đội ngũ cán bộ giáo viên có trình độ chuyên môn ngày càng cao; có kinh nghiệm giảng dạy, quản lý, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ an ninh trong từng giai đoạn cách mạng…

Có được những thành tựu nêu trên, theo Trung tướng Lê Văn Thắng, Học viện ANND luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, đặc biệt là Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ Giáo dục và Đào tạo; sự nhiệt tình cộng tác, giúp đỡ của các ban, ngành, các học viện, trường, đơn vị, Công an các địa phương.

Bên cạnh đó, Học viện luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Bộ Công an để xác định mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong từng giai đoạn cách mạng. Học viện ANND thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, đa dạng hóa các hình thức đào tạo gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn là chìa khóa cho đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường; đồng thời, Học viện luôn nỗ lực để xây dựng môi trường giáo dục giàu tính nhân văn, đề cao văn hóa, chất lượng dạy và học nhằm duy trì, phát triển uy tín, danh tiếng "Trường C500", ghi dấu trong lòng mỗi thế hệ học viên, tạo niềm tin cho lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo và cho xã hội, xây dựng "thương hiệu" của một cơ sở đào tạo tin cậy, không chỉ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn xây dựng bản lĩnh, chính trị, nhân cách, đạo đức người công an cách mạng. Đây chính là nền tảng quan trọng để Học viện góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030.

Theo Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng, thời gian tới, Học viện ANND sẽ tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển Học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, đạt chuẩn quốc gia gắn với đặc thù cơ sở đào tạo trong CAND.

Để thực hiện mục tiêu này, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã và đang triển khai nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên nhiều lĩnh vực, trong đó Học viện xác định nhiệm vụ xây dựng và phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ, giải pháp "đột phá". Bởi con người là gốc của mọi vấn đề, có con người hiện đại thì mới có nhà trường hiện đại, có những nhà giáo, nhà khoa học có năng lực, trình độ, hiểu biết chuyên sâu trên các lĩnh vực của khoa học nghiệp vụ Công an thì mới có thể đào tạo ra những thế hệ sĩ quan vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, có đức, có tài, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Học viện tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho giảng viên trẻ đi học tập nâng cao trình độ, đảm bảo trẻ hóa và tính kế thừa của đội ngũ. Thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Học viện có khoảng 300 cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư không thấp hơn 20% tổng số giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ của Học viện. Phấn đấu đến năm 2025, 90% trở lên giáo viên nghiệp vụ qua công tác thực tiễn nhằm kết hợp tốt giữa giảng dạy lý luận với thực hành nghề nghiệp cho học viên... góp phần khẳng định thương hiệu của một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu trong hệ thống các trường CAND…

Thu Phương

Theo cand.com.vn