Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận, Philippines bồi đắp trên Biển Đông
(Dân trí) - Philippines cải tạo đường băng trên đảo Thị Tứ (thuộc Quần đảo Trường Sa); Trung Quốc tập trận, dùng máy bay chiến đấu bắn đạn thật, trục xuất tàu Mỹ trên Biển Đông… là những diễn biến "nóng" gần đây.
Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao chiều 27/5, một thông tin được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trao đổi là việc giới chức Philippines đang chuẩn bị tiến hành dự án cải tạo, nâng cấp đường băng trên đảo Thị Tứ, thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nêu phản ứng của Việt Nam về việc này, người phát ngôn nói, như đã nhiều lần lên tiếng, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với Quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền cũng như các quyền liên quan của Việt Nam đối với Quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) 1982 vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.
Thông tin khác được nêu tại cuộc họp báo là việc Trung Quốc mới đây đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, trong đó có sử dụng máy bay chiến đấu dội hàng nghìn đạn dược vào các mục tiêu trên biển.
Đáp lại, bà Lê Thị Thu Hằng lập luận, duy trì hòa bình ổn định trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông là mục tiêu, lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.
"Việt Nam mong rằng các bên nỗ lực đóng góp một cách có trách nhiệm vào tiến trình này" - bà Hằng nhấn mạnh.
Cũng về diễn biến trên Biển Đông, báo giới nêu vấn đề, ngày 20/5 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố tàu chiến Mỹ đi vào lãnh hải nước này ở Biển Đông và đã bị trục xuất (đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa - PV).
Bình luận về sự kiện này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao một lần nữa khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và căn cứ lịch sử khẳng định chủ quyền với 2 Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, hoạt động của các quốc gia trong và ngoài khu vực cần đóng góp tích cực cho việc duy trì ổn định, an ninh, an toàn trong khu vực, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.