Việt Nam kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, mua bán người

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định như trên tại Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ 14 Nhóm Công tác của Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia vừa diễn ra trong hai ngày 22 và 23/7 tại Đà Nẵng.

Việt Nam kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, mua bán người - 1
Phiên khai mạc Hội nghị Nhóm công tác Tiến trình Bali về di cư trái phép và mua bán người vừa diễn ra trong hai ngày 22 và 23/7 tại Đà Nẵng

Tham dự Hội nghị quốc tế do Việt Nam đăng cai tổ chức có ông Bryce Hutchesson - Chủ tịch Tiến trình Bali, Đại sứ đặc trách phòng, chống đưa người di cư trái phép và mua bán người, Bộ Ngoại giao và Thương mại Autralia cùng 120 đại biểu đến từ các nước thành viên Nhóm Công tác của Tiến trình Bali và các quan sát viên.

Việt Nam kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, mua bán người - 2
Các đại biểu tham dự Hội nghị nhóm công tác của Tiến trình Bali do Việt Nam đăng cai tổ chức

Tại Hội nghị, ông Bryce Hutchesson - Chủ tịch Tiến trình Bali đánh giá cao nỗ lực và kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và trong quan hệ hợp tác với các nước thành viên Tiến trình Bali.

Ông Bryce Hutchesson nhấn mạnh, tiến trình Bali là cơ chế hiệu quả để hợp tác giải quyết các thách thức của di cư trên bình diện khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay có 70,8 triệu người buộc phải di cư (theo báo cáo năm 2018 của Cao uỷ Liên Hiệp quốc về người tị nạn - UNHCR) làm gia tăng khả năng dễ bị tổn thương của người di cư như bị mua bán, bị đưa ra nước ngoài trái phép và bị bóc lột.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định Việt Nam kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép và mua bán người; coi hợp tác quốc tế thông qua việc tham gia tích cực vào các tiến trình khu vực và thế giới là một phần tất yếu để tạo nên sức mạnh toàn diện nhằm đẩy lùi nạn di cư trái phép và mua bán người.

Thứ trưởng Tô Anh Dũng cũng chia sẻ một trong những giải pháp ngăn chặn di cư trái phép hữu hiệu của Việt Nam là lấy phòng ngừa làm yếu tố nền tảng và coi thúc đẩy di cư hợp pháp.

Theo đó, đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ hy vọng rằng tại hội nghị lần này, bên cạnh phòng, chống di cư trái phép và mua bán người, Tiến trình Bali cân nhắc đưa các biện pháp thúc đẩy di cư an toàn, hợp pháp vào chiến lược hợp tác trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa vai trò và thúc đẩy sự kết nối của Tiến trình Bali trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu.

Trong khuôn khổ hội nghị đã có các phiên thảo luận tập trung đánh giá tình hình đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực và trên thế giới; Trao đổi về tăng cường sự kết nối của Tiến trình Bali với các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu như ASEAN, Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) và định hướng ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.

Tiến trình Bali tập hợp các nước có nhiều quan tâm và thách thức khác nhau nhưng cùng chung chia sẻ và trách nhiệm nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu này thông qua đối thoại mang tính xây dựng, hợp tác và xây dựng năng lực. Đến nay, Tiến trình Bali đã xây dựng nhiều khuôn khổ hợp tác như Diễn đàn Doanh nghiệp và Chính phủ để thảo luận việc phòng, chống mua bán người, đưa người di cư trái phép trong lĩnh vực lao động đặc biệt là Văn phòng Hỗ trợ khu vực trong năm qua đã tổ chức 18 hoạt động với hơn 500 đại biểu tham dự đến từ hơn 40 nước thành viên.

Tâm An