1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Việt Nam có nguy cơ bị xoá các khoản vay từ WB?

(Dân trí) - Trong khoảng hai tuần tới sẽ có một đoàn điều tra của Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) sang Việt Nam để xem xét về các dự án đường nông thôn do WB tài trợ. Nếu phát hiện ra những tiêu cực trong các dự án này, Việt Nam có khả năng sẽ bị xoá các khoản vay hiện tại.

Ông Klaus Rohland, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) sáng nay 2/6, đã khẳng định như vậy tại buổi họp báo thông báo về Hội nghị giữa kì nhóm các nhà nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) sẽ nhóm họp tại Nha Trang từ 9- 10/6 tới.

Được biết, năm 2005 các nhà tài trợ đã cam kết ủng hộ Việt Nam khoảng 3,7 tỷ USD hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo và phát triển, trong đó có các dự án giao thông nông thôn mà WB sẽ tiến hành điều tra trong tuần tới. Hiện tại, WB đã tài trợ 500 km đường nông thôn cho Việt Nam theo kế hoạch sẽ tài trợ 3.000 km.

Đoàn công tác của WB sẽ gồm các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính và xây dựng sang Việt Nam để xem xét chất lượng các công trình và sẽ lấy ra mẫu ngẫu nhiên của 1 con đường bất kì mà WB đã tài trợ để kiếm tra con đường đó có đạt chất lượng theo yêu cầu hay chưa.

Theo đó, nếu phát hiện ra những tiêu cực tại các dự án, WB sẽ có một loạt hành động, trong đó có thể tiến hành thu hồi lại các khoản vay từ phía Việt Nam và chắc chắn những cơ quan, đơn vị có hành vi tiêu cực sẽ không được phép tham gia bất kỳ dự án nào do WB tài trợ. Theo ước tính sẽ có khoảng 100 công ty nằm trong “danh sách đen” diện này.

Khi nói về các danh mục đầu tư và các khoản WB cho Việt Nam vay, ông Klaus Rohland cho biết, WB vẫn luôn tin tưởng vào sự phát triển và kết quả mà các danh mục đó đã đạt được. “Chúng tôi luôn khuyến khích Chính phủ Việt Nam sử dụng vốn ODA. Tuy nhiên tham nhũng luôn diễn ra trong bóng tối, kẻ đi hối lộ luôn là kẻ muốn có ưu thế hơn người khác, làm thế nào để rọi sáng được bóng tối đó mới là điều quan trọng nhất”.

Ông Klaus Rohland cũng chia sẻ sự tin tưởng vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm tới sẽ đem lại cho Việt Nam một sự tăng trưởng vững chắc. Nhưng, “Việt Nam cần chú trọng vào chất lượng đầu tư hơn nữa, bởi gần 40% GDP của Việt Nam đang tập trung cho đầu tư”.

Nguyễn Hiền