"Văn hóa của 54 dân tộc là nguồn lực xây dựng Việt Nam hùng mạnh"

TTXVN

(Dân trí) - Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc của cộng đồng 54 dân tộc.

Sáng 15/2, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" Xuân Ất Tỵ 2025, nhằm giới thiệu những nét văn hóa, phong tục đặc sắc của 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Lương Cường tới tham dự các hoạt động văn hóa, chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Văn hóa của 54 dân tộc là nguồn lực xây dựng Việt Nam hùng mạnh - 1

Chủ tịch nước Lương Cường dự Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" (Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN).

Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc của cộng đồng 54 dân tộc, mang đến không khí Tết cổ truyền dân tộc phục vụ khách du lịch những ngày đầu Xuân tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ngày hội năm nay có sự tham gia của hơn 200 người là đại diện già làng, trưởng bản tiêu biểu, nhân sỹ, trí thức, nghệ nhân của 28 cộng đồng dân tộc, 29 lượt cộng đồng huy động của 14 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền, trong đó có các dân tộc ít người như: Si La, Kháng, Hà Nhì, Cống (Lai Châu), Lô Lô, Bố Y, Pà Thẻn, La Chí (Hà Giang).

Ngoài ra còn có các dân tộc đang hoạt động tại Làng như: Dao, Tày, Nùng, Mường, Thái, Lào, Khơ Mú, Mông, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Ê Đê, Khmer, Raglai, Tà Ôi, Cơ Tu.

Phát biểu tại Ngày hội, Chủ tịch nước Lương Cường nêu rõ Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa đặc sắc, phong phú, độc đáo đã tạo nên bức tranh văn hóa vừa đa dạng, trong sự thống nhất cao, phản ánh sự sáng tạo và bản lĩnh của người Việt qua các thời kỳ lịch sử.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, một trong những giá trị quan trọng nhất của nền văn hóa truyền thống 54 dân tộc anh em chính là tinh thần đại đoàn kết, tương thân tương ái, đã tạo sức mạnh nội sinh, là nền tảng giúp dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam ngày nay.

Khẳng định Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" không chỉ là một sự kiện mừng Xuân, còn là một hoạt động văn hóa, chính trị mang nhiều ý nghĩa, Chủ tịch nước cho rằng đây là dịp để mỗi người dân Việt Nam ôn lại, giữ gìn và làm sâu sắc hơn những giá trị văn hóa dân tộc, qua đó thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, tăng cường sự hiểu biết và đồng hành cùng nhau trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Văn hóa của 54 dân tộc là nguồn lực xây dựng Việt Nam hùng mạnh - 2

Chủ tịch nước Lương Cường gặp các đại biểu dự Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" (Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN).

Chủ tịch nước chỉ rõ, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược, nhất quán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước ta, trong suốt quá trình cách mạng và trong thời kỳ mới, nhằm đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, văn hóa truyền thống của 54 dân tộc là tài sản vô giá, là nguồn lực vô cùng quý báu để chúng ta xây dựng một Việt Nam hùng mạnh. Nhờ vào sự đa dạng và phong phú của nền văn hóa, cùng với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chúng ta đã, đang và sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức vươn tới những thành tựu vĩ đại trong công cuộc phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch nước lưu ý, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành và tổ chức thực hiện tốt chính sách dân tộc, đảm bảo quyền lợi và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc; đồng thời có những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ và tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc, gìn giữ vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc.

Trong đó, cần đặc biệt chú trọng tôn vinh và trân trọng sự đóng góp quan trọng của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc.

Chủ tịch nước đề nghị các địa phương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo tổ chức chặt chẽ, hiệu quả việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào, có những giải pháp, việc làm cụ thể, thiết thực để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc.

Đồng thời, các địa phương cần chăm lo giáo dục, văn hóa, y tế, phúc lợi xã hội, quan tâm nhiều hơn nữa vấn đề đào tạo cán bộ, việc làm cho thanh niên, chủ động, tích cực trong góp phần tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với đồng bào dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để đồng bào tham gia ngày càng sâu và có hiệu quả hơn vào quá trình phát triển chung của đất nước.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước trao quà tặng đại diện đồng bào các dân tộc tham dự "Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc". 

Tiếp đó, Chủ tịch nước dự Nghi thức mở cửa tháp và dâng trầm trên đền tháp của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận (còn gọi là Lễ Peh Bi mbeng yang).

Thăm Làng dân tộc Mường, Chủ tịch nước dự Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường. Đây là lễ hội truyền thống gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình mỗi dịp Xuân về.

Sau đó, Chủ tịch nước đánh trống Khai hạ và thực hiện nghi lễ mở xá cày đầu tiên trong Lễ hội xuống đồng để mở ra mùa vụ sản xuất mới, khởi đầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.