Ứng viên ĐBQH tại Thanh Hóa quan tâm đời sống đồng bào vùng sâu vùng xa
(Dân trí) - Nhiều ứng cử viên đại biểu Quốc hội được giới thiệu tại đơn vị bầu cử số 3 (Thanh Hóa) đưa vấn đề nâng cao đời sống vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số làm nhiệm vụ trọng tâm.
Ngày 12/5, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của những ứng viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tại đơn vị bầu cử số 3 tỉnh Thanh Hóa gồm: Thị xã Nghi Sơn và các huyện: Quảng Xương, Nông Cống Như Thanh và Như Xuân.
Có 5 ứng cử viên ĐBQH được giới thiệu ứng cử tại đơn vị bầu cử số 3 trong đó có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Tại hội nghị, các ứng viên bày tỏ mong muốn được cử tri tin tưởng, ủng hộ và nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ nỗ lực, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH theo quy định của pháp luật.
Theo các ứng cử viên, các địa phương trong đơn vị bầu cử số 3 bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, thì hiện nay, cơ sở hạ tầng một số nơi chưa được đầu tư đồng bộ, điều kiện sản xuất và đời sống của nhân dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn.
Các cử tri đều có nguyện vọng nếu được bầu làm ĐBQH sẽ đặc biệt, quan tâm vấn đề nâng cao đời sống cho bà con, ưu tiên đồng bào vùng sâu, vùng xa, đề xuất các chính sách cho vùng nông thôn; giảm tỉ lệ hộ nghèo.
Phát biểu trước các cử tri, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ trưởng đã trải qua quá trình học tập, công tác trên nhiều cương vị khác nhau, đã là Đại biểu Quốc hội khóa XIV, gắn bó cả nhiệm kỳ ĐBQH với tỉnh Thanh Hóa và có những đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội cho các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.
Với vai trò là người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng sẽ tham mưu cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ thực hiện phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội; thực hiện tốt chính sách xã hội, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội.
Bà Cầm Thị Mẫn, ĐBQH chuyên trách tỉnh Thanh Hóa khóa XIV, Bí thư Chi bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, bà sẽ cùng với đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa quan tâm đến những vấn đề kinh tế-xã hội như: Xây dựng kết cấu hạ tầng, y tế, giáo dục, lao động, việc làm, bảo đảm sự phát triển của gia đình, xã hội; sự công bằng, bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ; rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa miền xuôi với miền núi, đồng bào dân tộc Kinh với dân tộc thiểu số trong tiếp cận các tiến bộ xã hội.
Trình bày chương trình hành động của mình, bà Lê Thị Nguyên, Phó trưởng Ban Xây dựng tổ chức hội, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa khẳng định, bà sẽ đặc biệt quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, vấn đề xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em; vấn đề phòng chống bạo lực gia đình; vấn đề lao động việc làm; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống.
Bà Nguyên cũng cho biết, trên thực tế vấn đề bình đẳng giới, vấn đề gia đình và trẻ em vẫn còn tồn tại một số lĩnh vực cần được quan tâm như: tỉ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo và ra quyết định còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, sự đóng góp của các tầng lớp phụ nữ.
Bên cạnh đó, việc học tập, nâng cao trình độ, tay nghề của chị em còn gặp khó khăn; vấn đề tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình đã và đang tác động tiêu cực đến xây dựng gia đình và sự phát triển an toàn cho phụ nữ.
Bà Nguyên khẳng định, sẽ đề xuất các chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia đào tạo, bồi dưỡng các chương trình phát triển bền vững nhất là đối với chị em phụ nữ vùng miền núi, vùng dân tộc khó khăn….
Là người dân tộc thiểu số, bà Vi Thanh Hương, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Như Xuân trăn trở làm sao để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt ưu tiên đến người dân ở vùng sâu, vùng xa.
"Tôi sẽ dùng kiến thức thực tiễn của mình cùng với các thành viên đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất chính sách đầu tư cho những vùng nông thôn. Đặc biệt, tập trung hơn nữa vào cơ sở hạ tầng, nông thôn như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở y tế… nhằm nâng cao điều kiện sống cho đồng bào vùng nông thôn"- bà Hương nói.
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri ở đơn vị bầu cử số 3 mong muốn, các ứng cử viên đề xuất giải quyết vướng mắc tồn tại nhiều năm như: Vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất; vấn đề tái định cư; tình trạng thiếu giáo viên ở địa phương; cơ chế chính sách phát triển khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Ngoài ra, cử tri mong muốn ứng cử viên quan tâm vấn đề giải quyết việc làm; trợ cấp xã hội hàng tháng cho người cao tuổi, trẻ em hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng núi đặc biệt khó khăn; đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường, kích cầu đầu tư cho khu vực nông thôn; có cơ chế chính sách cho người nghèo và trẻ nhỏ sống ở vùng khó khăn…