Tuyên giáo phải đi trước mở đường chứ không chạy theo, nói lại!

(Dân trí) - Nhấn mạnh lĩnh vực khoa giáo là lĩnh vực đa dạng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị phải nâng cao dự báo tình hình và chủ động thông tin, phải đi trước, mở đường chứ không để tình trạng chạy theo, nói lại.

Tuyên giáo phải đi trước mở đường chứ không chạy theo, nói lại! - 1
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng: Tuyên giáo là phải đi trước mở đường, không để tình trạng chạy theo, nói lại (Ảnh: Tiền Phong)

Sáng 18/7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban công tác khoa giáo Đảng 6 tháng đầu năm 2019.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long cho biết, từ đầu năm tới nay, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, các địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các văn bản của Đảng liên quan đến công tác khoa giáo; chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến các lĩnh vực khoa giáo, tập trung vào những vấn đề gây bức xúc xã hội hiện nay trong giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ trẻ em, bảo vệ môi trường...

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chú trọng tuyên truyền về đổi mới giáo dục, trọng tâm là đổi mới thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, đưa tin phê phán tiêu cực, bạo lực học đường. Lĩnh vực y tế và các vấn đề xã hội, tập trung thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh, chất lượng khám chữa bệnh, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế, phòng, chống xâm hại, ngược đãi, bạo lực đối với trẻ em... Lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường, tập trung tuyên truyền về các thành tựu khoa học công nghệ, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình tái cơ cấu, nâng cao chất lượng tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững...

Các địa phương đã bám sát Hướng dẫn số 77-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về hướng dẫn công tác khoa giáo để triển khai trên địa bàn. Công tác theo dõi, phối hợp giữa ban tuyên giáo và các ngành trên lĩnh vực khoa giáo đạt nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến quan trọng trong gắn hoạt động khoa giáo vào thực tiễn địa phương. Hầu hết các lĩnh vực khoa giáo đều có bước tiến bộ, phát triển đúng hướng; nhiều mô hình, dự án, đề tài về chủ đề gia đình, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được triển khai.

Những tháng còn lại của năm 2019, Ban Tuyên giáo Trung ương hoàn thành các đề án tổng kết, sơ kết các nghị quyết, chỉ thị bảo đảm chất lượng và theo đúng kế hoạch thời gian trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; chủ động nghiên cứu, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các văn bản của Đảng liên quan tới công tác khoa giáo, tập trung vào các văn bản mới được ban hành trong 6 tháng đầu năm 2019. Cụ thể là Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về "tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập"; Kết luận số 50-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về "tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế"...

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các bộ, ngành trong khối khoa giáo tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, trọng tâm là Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, hướng tới góp ý xây dựng văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Nhấn mạnh sự cần thiết phối hợp trong tham mưu, xây dựng chương trình hành động thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, thời gian gần đây, sự phối hợp giữa cơ quan tham mưu và cơ quan quản lý, giữa các đơn vị, bộ, ngành đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng vẫn còn tình trạng chưa chặt chẽ trong phối hợp, tính chủ động chưa cao, để xảy ra sự cố mới trao đổi thông tin.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vấn đề quan trọng nhất của khối khoa giáo là cùng nhau phối hợp tốt hơn để làm chuyển biến trong nhận thức và từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò của khoa giáo.

Dẫn câu nói “khoa giáo hưng quốc”, Phó Thủ tướng cho rằng, suy cho cùng muốn phát triển bền vững phải bảo đảm các vấn đề môi trường và xã hội. Do đó, “việc quan trọng nhất của khối chúng ta là phải tiếp tục làm chuyển biến cả về nhận thức và hành động. Đấy chính là phát triển bền vững, đấy chính là bảo vệ chế độ, là tính ưu việt của Chủ nghĩa xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề nghiên cứu, theo Phó Thủ tướng muốn khoa học phát triển phải gắn với kinh tế, phải có cơ chế để thúc đẩy khoa học phát triển, do vậy cần thiết kế cơ chế kinh tế phù hợp để “doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích và đầu tư vào nghiên cứu khoa học, chứ không phải kêu gọi như vừa qua”. Về vấn đề chi ngân sách cho nghiên cứu khoa học cần phải có cơ chế về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học… Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa, làm tốt hơn nữa việc dạy người, dạy ý thức cho trẻ từ những việc nhỏ như biết giữ vệ sinh chung, có tình yêu lao động, rèn luyện sức khỏe bản thân…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn qua các ý kiến phát biểu cho thấy công tác khoa giáo của Đảng 6 tháng đầu năm 2019 đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ đề ra, một số lĩnh vực đạt kết quả khá tốt.

Từ nay đến cuối năm, ông Võ Văn Thưởng lưu ý cần tham mưu thật tốt để Ban Bí thư sơ kết, tổng kết theo đúng quy định của Đảng về những nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực khoa giáo, khắc phục những bất cập trong việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, lắng nghe ý kiến cơ sở, đánh giá thực tiễn, tìm kiếm giải pháp. Việc tổ chức thực hiện cần kết hợp với kiểm tra, giám sát.

Nhấn mạnh lĩnh vực khoa giáo là lĩnh vực đa dạng, ông Võ Văn Thưởng đề nghị phải nâng cao dự báo tình hình và chủ động thông tin, phải đi trước, mở đường chứ không để tình trạng chạy theo, nói lại; đồng thời cần làm tốt kết hợp với truyền thông tốt, có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh. Theo ông Võ Văn Thưởng, những vấn đề của lĩnh vực khoa giáo tác động đến mọi tầng lớp xã hội, đến nhiều vùng, miền… cho nên cần phải giải quyết những vấn đề xã hội trên tinh thần cầu thị, khách quan, thẳng thắn, nhìn đúng vào bản chất của vấn đề để kịp thời phối hợp, xử lý.

Ông Võ Văn Thưởng lưu ý một số vấn đề tuy cụ thể nhưng có ý nghĩa chiến lược, có thể tích lũy để góp phần bổ sung vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng và để triển khai các nhiệm vụ của công tác khoa giáo./.

Quỳnh Hoa

TTXVN