“Tướng tá, cán bộ cấp cao còn làm việc gây hại đất nước cho thấy mức tha hoá con người”

(Dân trí) - “Sự tha hoá con người bộc lộ rất rõ qua những vụ đại án vừa qua. Đến tướng tá công an, quân đội, đến lãnh đạo cấp cao trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng còn làm những việc nghiêm trọng, gây tổn hại đến đất nước như vậy… “ – GS.TS Hồ Sỹ Quý góp ý kiến với Thủ tướng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn mới.

“Tướng tá, cán bộ cấp cao còn làm việc gây hại đất nước cho thấy mức tha hoá con người” - 1

Thủ tướng chủ trì hội nghị các nhà khoa học góp ý kiến cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội mà Thủ tướng là Trưởng tiểu ban 

Chiều 13/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Đại hội Đảng XIII. Gợi ý hướng thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nhà khoa học thẳng thắn chỉ rõ tình hình hiện tại của đất nước, làm rõ bối cảnh quốc tế hiện nay gắn với những dự báo tác động tới Việt Nam khi độ mở nền kinh tế đất nước hiện rất lớn.

“Tôi muốn nghe các nhà khoa học nói rõ về những nhiệm vụ, giải pháp đột phá cho 5 năm tới và tầm nhìn đến 2045 để đảm bảo mối quan hệ hài hoà, bền vững giữa kinh tế với xã hội, văn hoá. Đề nghị các nhà khoa học nêu quan điểm một cách cởi mở, thực chất, thẳng thắn khi nhiều vị hiện là thành viên Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đảng XIII” – Thủ tướng nói.

Thay đổi đột phá, duy trì mức tăng trưởng cao 

Lãnh đạo Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chỉ ra một số điểm nghẽn hiện tại của nền kinh tế đất nước. Trước hết, tăng trưởng kinh tế tuy đạt kết quả cao hiện nay nhưng nếu so với mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 10 năm 2011-2021 là 7-7,5%, 2 năm còn lại có giữ được mức tăng trưởng trên 7% đi nữa thì tính chung cả giai đoạn cũng chỉ đạt 6,3-6,4%. Vấn đề còn khó hơn đặt ra là làm sao giữ mức tăng trưởng cao cho giai đoạn tới. So với các nước lân cận có sức phát triển bứt phá giai đoạn vừa qua (Nhật đạt mức tăng trưởng tới 9,2% trong suốt giai đoạn 1952-1973, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… cũng đều đạt mức tăng trưởng 8-9% trong hơn 30 năm), thách thức đặt ra với Việt Nam rất lớn.

Đóng góp ý kiến, PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng điểm hạn chế lớn nhất là nguồn gốc tăng trưởng trong giai đoạn 2011-2018 chủ yếu vẫn dựa vào vốn, đóng góp của việc nghiên cứu và triển khai sáng tạo khoa học công nghệ (R&D) tính trên tổng thu ngân sách hay trên GDP đều còn rất thấp và lại có xu hướng giảm dần từ năm 2006-2016. Chỉ số này của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật bản… Chỉ số xếp hạng đổi mới sáng tạo của Việt Nam, theo đó, cũng đều đứng tốp cuối so với các nước lân cận. Điều đó cho thấy nguy cơ Việt Nam đang tụt hậu.

Viện trưởng Viện Kinh tế đề nghị xác định mục tiêu chiến lược cho giai đoạn tới cần tạo sự đột phá, bước nhảy vọt tập trung ở một số lĩnh vực nhất định chứ không thể đi theo tuần tự thông thường, trong đó cần chú trọng phát triển công nghệ mới.

Ông Tuấn kêu gọi đột phá trước hết về nhân lực để đáp ứng yêu cầu của tăng trưởng sáng tạo. “Mà muốn có sáng tạo thì phải có cảm hứng và được truyền cảm hứng. Việt Nam có cơ cấu dân số vàng, có lớp trẻ năng động nhưng việc truyền cảm hứng, được sáng tạo còn rất ít. Mong Chính phủ tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, khoa học có điều kiện để có cảm hứng sáng tạo” – TS.Tuấn kiến nghị.

“Tướng tá, cán bộ cấp cao còn làm việc gây hại đất nước cho thấy mức tha hoá con người” - 2

Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược phát biểu tại hội nghị

Tán thành những vấn đề được nêu ra, gợi mở, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhận xét thêm, đổi mới kinh tế đã thực hiện hơn 30 năm nhưng hệ thống chính trị chưa có sự đổi mới nào quan trọng, vẫn chủ yếu theo mô hình Xô Viết, cơ chế chủ yếu là xin-cho, quyền lực không được kiểm soát, tham nhũng tràn lan. Nếu không có cơ chế giải quyết những vấn đề đó thì “hổ không thể vươn mình”, ông Lược cảnh báo.

Câu hỏi vị chuyên gia kinh tế đưa là “tới đây có dám thay đổi đột phá?”. Ông đề nghị nghiên cứu quan điểm đa dạng hoá sở hữu tư liệu sản xuất, trong đó có đất đai, thay đổi quan điểm, xác định kinh tế tư nhân là động lực cơ bản cho phát triển, có chiến lược đặc biệt trọng dụng nhân tài.

“Một loạt những cán bộ cấp cao “dính án”, đi tù vừa qua đều là chủ những DNNN lớn. Đó là biểu hiện kinh tế quốc doanh vẫn giữ tỷ trọng quá lớn, tới 28% trong khi từ hồi Tổng Bí thư Đỗ Mười nắm quyền đã thấy một thực tế, không có một đất nước phát triển nào có tỷ trọng “lệch” như vậy. Đó là nơi phát sinh tham nhũng, xâu xé lợi ích” – vị chuyên gia kinh tế phân tích.

Chiến lược mới về văn hoá, con người 

“Tướng tá, cán bộ cấp cao còn làm việc gây hại đất nước cho thấy mức tha hoá con người” - 3

PGS.TS Hồ Sỹ Quý đề cập tới chiến lược phát huy các giá trị văn hoá, con người 

GS.TS Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng Viện thông tin khoa học xã hội thì cho rằng vấn đề văn hoá, con người cần được xác định là một đột phá chiến lược.

Ông Quý sử dụng một từ khá mạnh để khái quát về giai đoạn xã hội hiện nay, đó là “ung thư văn hoá”. Hiện tượng cụ thể bộc lộ của vấn nạn này là con người tha hoá, đạo đức xuống cấp, văn hoá giả dối, lệch lạc. Sự tha hoá của con người, theo GS.TS Quý, đã được Đảng chỉ ra bằng 27 biểu hiện.

“Sự tha hoá đó bộc lộ rất rõ qua những vụ đại án vừa qua. Đến tướng tá công an, quân đội, đến lãnh đạo cấp cao trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng mà còn làm những việc nghiêm trọng, gây tổn hại đến đất nước thì có thể thấy mức độ của vấn đề tới đâu” – nguyên Viện trưởng Hồ Sỹ Quý khái quát.

Biểu hiện của đạo đức xuống cấp thì bộc lộ ở việc những giá trị ảo giờ được đặt cao hơn, thay thế những giá trị thật trong xã hội. Còn về văn hoá, trong số những tính xấu của con người Việt Nam được đúc kết, đứng đầu là sự giả dối. Giả dối đã bộc lộ trong mọi mặt, mọi quan hệ xã hội.

“Bộ trưởng GD-ĐT từng khẳng định giáo dục đã qua giai đoạn khủng hoảng nhưng thực tế mọi vấn đề vẫn lòng vòng trong vòng khủng hoảng đó, bắt đầu từ sự giả đối trong quan hệ giữa thầy và trò. Y tế tưởng như đã “êm thuận” hơn 2 năm qua nhưng chuyện này chuyện khác xảy ra, bản chất vẫn là từ sự giả dối bộc lộ trong quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh. Những biểu hiện đó lộ ra trong quá trình người ta bỏ tiền ra để mua đủ loại dịch vụ. Rồi hiện tượng mê tín dị đoan, thỉnh vong, báo oán… cũng bộc lộ sự lừa dối về niềm tin…” – ông Quý nhận xét, đáng nói là mỗi lần vấp phải vấn đề lại thấy rõ sự bối rối, không biết “bấm nút” từ đâu trong xử lý của cơ quan quản lý nhà nước, ví dụ điển hình là việc xử lý hậu quả vụ gian lận thi cử.

Nguyên Viện trưởng Hồ Sỹ Quý kết lại: “Ước gì văn hoá được như ngày xưa – đó là tiếng nói từ diễn đàn Quốc hội trong kỳ họp gần đây. Đó là tiếng cảnh báo vang lên đầy bức xúc cho thấy những sự sai lệch đã tấn công mọi vấn đề văn hoá, con người cần được giải quyết trong chiến lược mới”.

P.Thảo