Chủ tịch Quốc hội:
"Tư tưởng trọng dân, gần dân, thân dân làm nên thành công của Quốc hội"
(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định bài học xuyên suốt, cốt lõi về sức mạnh đoàn kết, tư tưởng trọng dân, gần dân, thân dân, phát huy quyền làm chủ của dân làm nên thành công 75 năm qua…
Chiều 6/1, Văn phòng Quốc hội tổ chức cuộc gặp mặt đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ nhân kỷ niệm 75 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên. Cuộc gặp mặt có sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa XII, nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa IX, khóa X Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa XI Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại, đúng ngày này 75 năm trước, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ về ngày tổng tuyển cử, ngày đầu tiên người dân Việt Nam sử dụng quyền công dân của mình, người dân Việt Nam đã nô nức đi bỏ phiếu, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau thành công vĩ đại của Cách mạng tháng Tám, khắc phục muôn vàn khó khăn của đất nước trong cảnh thù trong giặc ngoài, cuộc tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thắng lợi. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên khẳng định quyền làm chủ của người dân Việt Nam trong việc tự tổ chức ra nhà nước của mình - nhà nước công nông dầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Quốc hội khóa I làm nên bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946.
"Suốt chặng đường 75 năm phát triển, Quốc hội luôn hiện diện cùng dân tộc, là biểu tượng quyền làm chủ của nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, đóng góp quan trọng cho từng bước phát triển của đất nước, của dân tộc. 14 khóa Quốc hội là sự kết thừa và phát triển liên tục. Kinh nghiệm thực tiễn của Quốc hội khóa trước luôn là bài học để củng cố hoạt động của Quốc hội khóa sau" - Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Bà Ngân điểm lại tiến trình, Quốc hội khóa I thông qua bản Hiến pháp đầu tiên, năm 1946 với tinh thần dân chủ, tiến bộ, đặt thể chế cho việc xây dựng nhà nước XHCN. Quốc hội khóa I cũng làm nên bản Hiến pháp năm 1959, là căn cứ pháp lý để cả nước cùng tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà.
Các Quốc hội khóa II, III, IV, V hoạt động trên cơ sở bản Hiến pháp 1959, để thực hiện nhiệm vụ thống nhất đất nước. Quốc hội khóa VI đổi tên nước thành nước CHXHCN Việt Nam, quy định quốc kỳ, quốc huy, thông qua bản Hiến pháp 1980, mở đầu cho thời kỷ cả nước thống nhất đi lên XHCN. Hiến pháp 1980 đưa đất nước qua nhiều khó khăn của thời kỳ cấm vận, bước vào thời kỳ đổi mới.
Bản Hiến pháp 1992 tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc quá độ, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả của nhà nước trong thời kỳ đổi mới.
Nhắc tới hoạt động của Quốc hội các khóa gần đây (khóa XI, XII, XIII), Chủ tịch Quốc hội khái quát, đây là Quốc hội của thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng. Các hoạt động lập pháp, quyết định vấn đề quan trọng và giám sát đều được đổi mới toàn diện, sâu sắc.
Quốc hội XIII đã ban hành Hiến pháp 2013 cụ thể hóa cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH.
Kế thừa thành tựu của 13 khóa Quốc hội, Quốc hội khóa XIV đã đạt được những nước phát triển quan trọng trên các lĩnh vực hoạt động, đóng góp vào những thành tựu của đất nước 35 năm đổi mới, đi sâu vào những khâu đột phá của quá trình phát triển, đi sâu vào nhiều vấn đề lớn, gai góc, bất cập, bao trùm của đời sống xã hội. Hoạt động ngoại giao nghị viện trong khóa XIV cũng được đẩy mạnh, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam, là thành viên chủ động, tích cực của cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch đương nhiệm của Quốc hội đề cập, phương thức hoạt động của Quốc hội cũng thay đổi từ Quốc hội tham luận sang tranh luận, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong các hoạt động.
Trong năm 2019, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng iêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Quốc hội, theo đó, đã cùng cả nước nỗ lực khắc phục khó khăn để đạt được những kết quả lớn như thực hiện thành công công tác chống dịch, duy trì tăng trưởng tích cực. Trong năm, Quốc hội cùng các cơ quan nhà nước tổ chức 3 hoạt động đối ngoại lớn, trên vai trò Chủ tịch AIPA, Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Những bài học xuyên suốt, cốt lõi về sức mạnh đoàn kết, tư tưởng trọng dân, gần dân, thân dân, phát huy quyền làm chủ của dân, không ngừng đổi mới sáng tạo, biến nguy thành cơ đã được vận dụng để tạo nên thành quả to lớn ngày hôm nay".
Bày tỏ lòng biết ơn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với các bấc tiền bối, với các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, với những thành tựu to lớn sau 76 năm ra đời, phát triển, 35 năm đổi mới, Quốc hội Việt Nam cũng đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ trọng đại. Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ thông qua những văn kiện quan trọng, gắn với từng dấu mốc chiến lược phát triển quan trọng của cả nước vào năm 2025, 2030, 2045. Chủ tịch Quốc hội nhận định, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của đất nước và Quốc hội nói riêng rất nặng nề, đòi hỏi đổi mới hơn nữa để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự ủng hộ, chia sẻ, giám sát của đồng bào, cử tri cả nước, Quốc hội sẽ tiếp tục lớn mạnh xứng đáng là cơ quan đại diện của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.