TS Nguyễn Sĩ Dũng: "Chúng ta đã áp đặt mô hình zero Covid quá dài!"
(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chúng ta đã áp dụng mô hình "zero Covid" quá dài. Điều này làm đổ vỡ các chuỗi cung ứng.
Sáng 27/9, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì tọa đàm. Đây là tọa đàm lần đầu tiên được tổ chức trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Đóng chợ truyền thống ảnh hưởng lớn đến người nghèo
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là mô hình chống dịch như thế nào. Nhìn lại thời gian qua, ông Dũng đánh giá, mô hình chống dịch của năm 2020 kéo quá dài. Điều này là nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội.
"Cụ thể, chúng ta đã áp đặt mô hình "zero Covid" quá dài. Chúng ta phong tỏa cứng đất nước, thực tế phong tỏa như vậy chỉ kéo dài được từ 7-10 ngày, chứ không thể làm tới gần nửa năm được. Làm như vậy thì đổ vỡ các chuỗi cung ứng", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, mới đây, Thủ tướng đã nói về chuyển đổi mô hình chống dịch. Thủ tướng nói là sống chung, an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Do vậy, điều quan trọng nhất để phục hồi kinh tế là chuyển đổi mô hình chống dịch. Tuy nhiên, ông Dũng vẫn lo ngại ở mỗi địa phương vẫn còn có cách làm khác nhau.
"Chúng ta phải chuyển đổi mô hình chống dịch như thế nào? Muốn làm được theo hệ thống thì phải có mệnh lệnh từ Trung ương, chứ còn mỗi tỉnh một kiểu như tỉnh đòi loại giấy này tỉnh đòi loại giấy khác; tỉnh cho qua, tỉnh không cho qua… thì làm sao lưu thông được hàng hóa", ông Dũng lo ngại.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đánh giá một loạt chính sách vừa qua đã tạo ra những khoản tô khổng lồ. Cụ thể như, TPHCM "khóa cứng" hết chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ đầu mối, chỉ cho siêu thị hoạt động. Như vậy, siêu thị nhận được những khoản lợi nhuận rất lớn.
"Đó là những khoản tô "ăn theo" chính sách chúng ta đề ra. Những khoản tô này không chỉ ở Hà Nội, TPHCM mà ở rất nhiều tỉnh thành. Cái đó đánh vào người dân nghèo", ông Dũng nói.
Cụ thể, ông Dũng đưa ra ví dụ với hàng chục triệu người đã không có việc làm, nhưng chợ truyền thống giá rẻ không tiếp cận được, phải đi siêu thị. "Hàng triệu người nghèo sống dựa vào chợ truyền thống, mà không chỉ người mua, mà cả người bán", ông Dũng cho hay.
Theo ông Dũng, ngay cả người nông dân sản xuất nhỏ lẻ ở Hà Nội cũng không thể tiếp cận được siêu thị. Do vậy, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc chuyển đổi mô hình chống dịch một hoạt động cụ thể nhất là mở cửa lại chợ truyền thống, chợ đầu mối để hàng triệu người dân có thể tiếp cận được.
Việc hạn chế di chuyển "cần thông minh hơn"
Tham luận tại tọa đàm, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, dịch Covid-19 diễn biến kéo dài khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo bà Minh, Chính phủ đã ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội, thực hiện các biện pháp thuế, tín dụng, trợ cấp lao động… để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Song, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn, gây rủi ro, gián đoạn chuỗi cung ứng đã làm tăng đáng kể chi phí của doanh nghiệp.
"Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại các địa phương chưa đồng bộ để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với hoạt động lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế như giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí… chưa đủ "sức nặng" cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp", bà Minh đánh giá.
Góp ý với chủ đề "Covid-19: Kinh tế Việt Nam lấy lại ánh hào quang" do ông Jacques Morisset - chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho biết, tốc độ phục hồi phục kinh tế - xã hội thuộc rất lớn với quy mô của các chương trình tiêm chủng, mặc dù xét nghiệm vẫn là biện pháp quan trọng để ngăn chặn đại dịch.
Dự báo, các quốc gia có chương trình tiêm chủng tích cực hơn dự kiến sẽ có mức tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2021, gắn với tăng cường xét nghiệm hàng ngày. Ông Jacques Morisset cũng khuyến nghị, việc quản lý hạn chế di chuyển cần thông minh hơn, trên cơ sở giám sát chặt chẽ và chia sẻ thông tin để điều chỉnh các biện pháp hạn chế di chuyển, đơn giản hóa và điều phối các quy trình.
Để ổn định kinh tế vĩ mô cần hướng sang chính sách tài khóa nhiều hơn và thực hiện chính sách tiền tệ ít hơn. Theo đánh giá của WB, chính sách tài khóa là công cụ mà Chính phủ chưa sử dụng nhiều, nhưng lại có thể giúp kích cầu trong ngắn hạn và cung trong dài hạn, trong khi dư địa tài khóa trong hiện tại và ngắn hạn đều có thể thực hiện.
Cùng với các biện pháp trên, WB khuyến nghị đã đến lúc cần suy nghĩ và thực hiện những cải cách thể chế quan trọng để nâng cao hiệu quả/hiệu lực thực thi chính sách. "Cần tổ chức thể chế xung quanh một trụ cột vững chắc; đơn giản hóa các quy trình và thủ tục hành chính, sử dụng thông minh các công cụ thị trường, tăng cường thực thi các quy định pháp luật…", ông Jacques Morisset nêu.