Tổng Bí thư:
Trung ương nhất trí giới thiệu bổ sung 23 nhân sự lãnh đạo nhà nước
(Dân trí) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban chấp hành TƯ nhất trí cao với phương án do Bộ Chính trị trình về tiếp tục kiện toàn nhân sự lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tổng Bí thư nêu thông tin trên khi phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 3 hôm nay, 8/7. Theo Tổng Bí thư, sau 4 ngày làm việc, Trung ương đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình hội nghị lần này, kết thúc sớm hơn so với dự kiến một ngày.
Bầu bổ sung 2 Ủy viên UB Kiểm tra Trung ương
Khái quát những kết quả đã đạt được trong chương trình nghị sự, Tổng Bí thư nêu rõ, về công tác nhân sự, Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Tổ chức Trung ương, các cơ quan có liên quan trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Các cơ quan đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 2 về kiện toàn một bước cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước thời gian qua.
Cách chuẩn bị công tác nhân sự, theo Tổng Bí thư, là bài bản, chặt chẽ, thận trọng, theo đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao.
"Đồng thời, Trung ương cũng nhất trí cao với phương án do Bộ Chính trị trình về tiếp tục kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí đề xuất, giới thiệu bổ sung 23 nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026" - Tổng Bí thư thông tin.
Ngoài ra, tại hội nghị này, sau khi xem xét các tờ trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung 2 Ủy viên UB Kiểm tra Trung ương.
Tổng Bí thư cũng nhắc lại việc Trung ương quyết định thi hành kỷ luật đối với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; thi hành kỷ luật đối với nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Về việc ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư cho biết, Bộ Chính trị đã tiếp thu các ý kiến thảo luận, góp ý của Trung ương, giải trình thấu đáo các nội dung.
Theo đó, các quy chế, quy định mới đã bám sát Điều lệ Đảng, kế thừa những nội dung cốt lõi của các quy chế, quy định của các khóa trước; đồng thời bổ sung, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với thực tế tình hình nhiệm kỳ khóa XIII. Tuy nội dung bổ sung, sửa đổi không nhiều nhưng theo Tổng Bí thư, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII đã có những chỉnh sửa quan trọng liên quan đến trách nhiệm và quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (bao gồm cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư), của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trách nhiệm và quyền hạn của Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, và về chế độ làm việc, phương pháp công tác.
Quy chế làm việc của UB Kiểm Trung ương khóa XIII đã quy định rõ hơn các vấn đề liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể, từ lãnh đạo tới thành viên UB Kiểm tra và mối quan hệ với các cơ quan khác.
Liên quan việc này, nội dung sửa đổi, quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng cũng đã bổ sung nhiều quy định cụ thể khác liên quan đến các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, có tính bản chất, phổ biến hoặc còn thiếu,... nhằm phát huy đầy đủ, đúng đắn hơn nữa chức năng kiểm tra, giám sát của Đảng.
Covid-19 có thể kéo dài, nguy hiểm, lan rộng, nhanh hơn
Nói về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cập nhật thông tin những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ khóa XII cao hơn so với mức đã báo cáo tại Đại hội Đảng XIII và kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV đầu năm nay. 6 tháng đầu năm 2021, cả nước cũng đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật là mức tăng trưởng 5,64% cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, đời sống của nhân dân, nhất là của người lao động ở vùng xảy ra dịch bệnh Covid-19, vùng có khó khăn tiếp tục được chăm lo, đảm bảo.
Tuy nhiên, chỉ rõ thực tế là những kết quả đó vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, Tổng Bí thư yêu cầu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa để vượt qua những thách thức trước mắt.
Tổng Bí thư nhắc lại mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, để đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; thực hiện có hiệu quả các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu, ngay sau Hội nghị này, Ban cán sự đảng Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trung ương để hoàn thiện thêm một bước các dự thảo kế hoạch trình Quốc hội xem xét, quyết định. Một lưu ý được đặt ra là cần có những giải pháp mang tính đột phá, khả thi cao và hợp với thực tế tình hình: Vừa phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phải chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh có thể còn tiếp tục kéo dài, thậm chí nguy hiểm, lan rộng nhanh hơn.
"Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần tiếp tục được bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về các vấn đề lớn, hết sức quan trọng như: Sự đúng đắn, phù hợp của mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn của nền kinh tế và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra" - Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư yêu cầu, việc xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia, cần thấy hết những thuận lợi, thời cơ cũng như những khó khăn, thách thức, để xác định đúng đắn mục tiêu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động rất tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội; chú ý bảo đảm tỷ lệ chi hợp lý cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên gắn với tinh giản bộ máy, biên chế, cải cách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội...
Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cần nhìn thẳng vào sự thật để tìm cho được các nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu để đề ra các chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao, tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét.