1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trên 78.400 tỷ đồng của các ngân hàng lớn chưa thu hồi được

(Dân trí) - Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, số việc phải thi hành liên quan đến tín dụng ngân hàng rất lớn, 17.459 việc, tương ứng số tiền trên 78.458 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng Agribank là 18.752 tỷ đồng; Vietinbank trên 8.506 tỷ đồng; BIDV 8.315 tỷ đồng; Sacombank 12.281 tỷ đồng;...

Tại hội nghị tổng kết công tác đầu năm 2019 ngày 19/4, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực, cố gắng thi hành xong trên 243.000 việc tương ứng với trên 18.000 tỷ đồng, tăng trên 1.000 việc tương ứng với trên 6.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.

Trên 78.400 tỷ đồng của các ngân hàng lớn chưa thu hồi được - 1

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự ngày 19/4.

Tuy nhiên, điều kiện thi hành án trong những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hoá hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ so với nghĩa vụ phải thi hành án. Điển hình là vụ Vinashin, vụ Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TPHCM.

Hoặc cũng có vụ việc, người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam không có tài sản để thi hành như vụ Phạm Thị Bích Lương- cựu Giám đốc Agribank Nam Hà Nội, vụ Huỳnh Thị Huyền Như. Tài sản bị kê biên có tình trạng pháp lý không rõ ràng, chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án trong quá trình xử lý như vụ Phạm Công Danh- cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam.

Khó khăn thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng

Báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự cho thấy, tổng số tiền, số việc phải thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng còn rất lớn: 17.459 việc, tương ứng số tiền trên 78.458 tỷ đồng, tập trung ở các ngân hàng lớn và có vốn nhà nước chi phối.

Trong đó, ngân hàng Agribank là 3.945 việc, trên 18.752 tỷ đồng; Vietinbank 1.327 việc, tương ứng trên 8.506 tỷ đồng; BIDV là 1.853 việc, trên 8.315 tỷ đồng; Techcombank 1.515 việc, trên 5.836 tỷ đồng; Sacombank 1.445 việc, trên 12.281 tỷ đồng; VPBank 2.266 việc, trên 2.234 tỷ đồng.

Theo báo cáo thống kê thì số tiền thi hành án tín dụng ngân hàng chiếm gần 60,7% số tiền phải thi hành án cả nước. Trong đó các địa phương có số tiền phải thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng lớn là TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang. Đến nay kết quả thi hành án các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng về giá trị thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018.

“Do đó, kết quả thi hành án cũng đòi hỏi không chỉ nỗ lực, năng lực, công tác phối hợp của đội ngũ chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự mà cả hệ thống tín dụng, ngân hàng có lượng án lớn nêu trên”- đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho hay.

Trên 78.400 tỷ đồng của các ngân hàng lớn chưa thu hồi được - 2

Huỳnh Thị Huyền Như tại một phiên toà.

Trong khi đó, giá trị tài sản bảo đảm khi nhận thế chấp thì lớn nhưng khi xử lý thì giá trị bị giảm nhiều lần, việc thi hành án kéo dài do bán nhiều lần không thành, xác minh mất nhiều thời gian, phát sinh chi phí lớn.

Mặc dù trong những năm gần đây các tổ chức tín dụng đã chặt chẽ hơn trong giai đoạn thẩm định cho vay, nhưng các vụ việc cũ và một số vụ việc mới vẫn tiếp tục gặp một số khó khăn do tài sản bảo đảm không đúng với thực tế tài sản. Thậm chí nhận thế chấp đối với tài sản là quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất là nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, có mồ mả trên đất.

Cơ quan thi hành án dẫn ví dụ tại tỉnh Kiên Giang, có ngân hàng đã nhận thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất mà trên đất có 14 ngôi mộ không rõ lai lịch (?!).

Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý “e ngại” của người dân khi mua tài sản kê biến, đấu giá do đó nhiều tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần vẫn không bán được dẫn đến thời gian thi hành án kéo dài.

6 tháng qua đã có gần 2.600 việc tương ứng số tiền trên 5.900 tỷ đồng đã kê biên, định giá nhưng chưa xử lý được. Nhiều vụ việc đã bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản nên chưa thể xử lý dứt điểm.

Ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống cơ quan thi hành án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Bộ trưởng yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự địa phương cần làm tốt công tác phân loại án, kiểm tra thi hành án tại các chi cục và làm rõ nguyên nhân không thi hành án được.

Đồng thời, ông Long mong muốn TAND các cấp sẽ phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự để giải thích bản án kịp thời, phối hợp ngay từ đầu trong các vụ án lớn; VKSND các cấp tăng cường công tác kiểm sát, đặc biệt ngay từ khi bắt đầu ra quyết định thi hành án.

Thế Kha