TPHCM sẽ có 19 quận, 259 phường không tổ chức HĐND

Thế Kha

(Dân trí) - Trong tương lai gần, TPHCM sẽ có 19 quận, 259 phường thực hiện không tổ chức HĐND quận, phường. UBND quận có không quá 3 Phó chủ tịch.

Theo hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM đang được Bộ Tư pháp thẩm định, mô hình quản lý hiện hành của thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tự chủ, thiếu linh hoạt để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra. Cơ chế, chính sách phân cấp giữa Trung ương và thành phố còn chưa phù hợp; một số lĩnh vực chưa phân định rõ ràng, chưa tạo được sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố thuộc trung ương trong cả nước…

Chính quyền địa phương ở TPHCM sẽ là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND thành phố và UBND thành phố. Kèm theo dự thảo nghị quyết là danh sách 19 quận, 259 phường thực hiện không tổ chức HĐND quận, phường.

TPHCM sẽ có 19 quận, 259 phường không tổ chức HĐND - 1

Theo đề xuất của Sở Nội vụ TPHCM, UBND Thành phố Thủ Đức sẽ đặt tại trụ sở UBND quận Thủ Đức hiện nay và Thành ủy Thủ Đức sẽ đặt tại trụ sở UBND quận 2 (ảnh: Phạm Nguyễn)

HĐND thành phố quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình, trong đó bao gồm dự toán ngân sách của chính quyền địa phương cấp dưới; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. 

Thông qua chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính quận, phường thuộc quận. Lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND thành phố đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức.

Trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu HĐND thành phố trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND thành phố đề nghị Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận được thực hiện theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và nghị quyết của Quốc hội.

Công chức làm việc tại UBND quận gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch quận và các công chức khác. UBND quận có không quá 3 Phó chủ tịch.

Chủ tịch UBND TPHCM thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND quận; đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Chủ tịch UBND quận.

Dự thảo dự kiến từ ngày 1/7/2021, UBND quận, UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại nghị quyết này. Trường hợp chưa bổ nhiệm được Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND quận, phường thì Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND quận, phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Nội dung mang tính đặc thù cần có giải trình cụ thể

Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định vừa diễn ra ở Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, thành phố đã đánh giá nhiều chiều, tổ chức nhiều cuộc họp và đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học.

Ông Phong dự đoán, khi nghị quyết được Quốc hội ban hành sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của TPHCM, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị. Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công và phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt, lớn nhất của cả nước hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói Bộ này và UBND TPHCM sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp để hoàn thiện tờ trình trước khi trình Chính phủ, Quốc hội.

TPHCM sẽ có 19 quận, 259 phường không tổ chức HĐND - 2

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại cuộc họp thẩm định (Ảnh: Bộ Tư pháp).

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM là có cơ sở, phù hợp.

Dự thảo điều chỉnh nhiều về chức năng, quyền hạn của HĐND và UBND, Chủ tịch UBND các cấp mà các quyền hạn này đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch đô thị…

Vì thế, bà Oanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại các quy định hiện hành để bảo đảm tối đa sự phù hợp. Những nội dung mang tính đặc thù cần có giải trình cụ thể để hoàn thiện và tạo thuận lợi hơn cho Chính phủ cũng như các cơ quan Quốc hội thẩm tra sau này.

Trả lời cử tri ngày 1/10 xung quanh chủ trương sáp nhập 3 quận (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) thành một thành phố trong thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang cho rằng với vai trò trách nhiệm đi đầu cả nước, TPHCM cần phải luôn tạo ra động lực để phát triển, nếu không sẽ tụt hậu. 

Thành phố Thủ Đức (tạm gọi) sẽ là mô hình tích hợp các lĩnh vực đang là thế mạnh của thành phố như đào tạo gắn với nghiên cứu, sản xuất gắn với logistics...

Lãnh đạo TPHCM đang làm việc với các bộ, ngành Trung ương để kịp thời trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội sắp tới. “Theo quy định, đến tháng 5/2021 sẽ tổ chức bầu Quốc hội, HĐND các cấp. Nếu bây giờ không làm hồ sơ thủ tục để cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chúng ta ít nhất phải chờ 5 năm nữa”- Phó Bí thư Thành ủy nói.