TPHCM muốn "xin" 20% gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ
(Dân trí) - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TPHCM đóng góp 27% ngân sách, 24% GDP nên kiến nghị Chính phủ dành 20% gói hỗ trợ doanh nghiệp cho thành phố.
Xin 20% gói hỗ trợ doanh nghiệp
Tại buổi làm việc trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kinh tế xã hội TPHCM 4 tháng đầu năm 2020 vào ngày 8/5, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kinh tế TPHCM có giảm sút trong 4 tháng vừa qua. Song ông Nhân cũng khẳng định không phải sản xuất giảm mà do "cầu" giảm nên ảnh hưởng đến "cung".
Đến nay, TPHCM có 7.773 doanh nghiệp phá sản hoặc đóng cửa, chiếm 3% trong tổng số doanh nghiệp. Nếu có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực chi trả các khoản vay, khoản nợ, giữ chân người lao động thì từ tháng 5/2020, có thể tiếp tục sản xuất trở lại, tiềm năng phục hồi kinh tế trong quý 2, quý 3 còn nhiều.
Cũng theo Bí thư Nhân, hiện nay, Chính phủ và TPHCM đều có các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp để phục hồi nhưng gói Trung ương rất quan trọng. Vì thế, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân đề xuất Chính phủ dành 20% tổng gói hỗ trợ của Chính phủ để giúp các doanh nghiệp tại TPHCM phục hồi sản xuất.
"TPHCM đóng góp 27% ngân sách, 24% GDP thì xin cắt 20% gói Trung ương giao TPHCM trực tiếp làm", ông Nhân nói.
Thành phố cũng đang cân nhắc làm với doanh nghiệp theo nguyên tắc đưa tiêu chí để doanh nghiệp điền vào và chịu trách nhiệm để giải ngân nhanh và sau đó hậu kiểm trong vòng 3-6 tháng.
"Chứ bây giờ ngồi "rị mọ" tính toán từng doanh nghiệp thì không biết bao giờ mới hỗ trợ cho xong. Đó là cả trách nhiệm chính trị mà chúng tôi cam kết thì mới nhanh được", ông Nhân nói.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cho biết trung tâm động lực phát triển kinh tế trong 10 năm tới là khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP; thông qua thi tuyển quốc tế đã lập đề án tích hợp 3 lợi thế của 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức.
Trong đó, lợi thế của quận 9 là khu công nghệ cao; Thủ Đức là đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học với 15 trường đại học trên 100.000 sinh viên; trung tâm tài chính quận 2. Khu vực này rộng hơn 21.000ha, hơn 1 triệu dân, nếu tích hợp lại sẽ đóng góp 30% GDP của TPHCM, nghĩa là 4-5% GDP cả nước.
Theo ông Nhân, hiện nhu cầu bức thiết là gộp 3 quận để thành lập TP phía Đông thuộc TPHCM. Nếu thành lập được thì đây là "quả đấm" kinh tế và GDP bằng nhiều tỉnh thành khác cộng lại.
"Trước 1975 thì 3 quận hiện nay chính là huyện Thủ Đức. Bây giờ gọi là TP thuộc TP là hơi lạ nhưng cơ bản đây là TP trực thuộc tỉnh và nhiều nơi đã có. Thành phố thiết tha xin chủ trương để được hướng dẫn và trong quý 3 trình đề án", ông Nhân nói.
Thu hồi 1.800 tỷ đồng của doanh nghiệp tại Thủ Thiêm
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến kinh tế và mọi mặt.
Điểm sáng là GRDP của TP giảm nhưng vẫn chiếm 25% trong tổng GDP cả nước, tổng thu chiếm 25% cả nước, giải ngân vốn đầu tư đạt 4.270 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt 14,4 tỷ USD, tăng 16,7%…
Về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Phong cho biết, trong thời gian tới, UBND TPHCM sẽ tham mưu cho Thành uỷ ban hành Nghị quyết về tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại kỳ họp giữa năm 2020.
Đáng chú ý, ông Phong cho biết, TPHCM cũng đang kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đến nay, TPHCM đã thu hồi ngân sách hơn 1.800 tỷ đồng dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung của Công ty Đại Quang Minh. Ngoài ra, TPHCM đã giao các đơn vị liên quan xin ý kiến hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ về việc tính lãi suất chậm nộp đối với khoản tiền nêu trên để thu hồi.
"Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo để TP thực hiện tốt các nội dung khắc phục khó khăn xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo đúng mục tiêu đề ra", ông Phong nói.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề khác như chỉ đạo Bộ Công thương giảm 10% giá điện như hiện nay và tạm thời dừng áp dụng bậc thang giá điện để hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp.
TPHCM cũng kiến nghị cho phép xây dựng đề án không tổ chức HĐND quận và phường; chuyển một số diện tích đất nông nghiệp không hiệu quả thành đất công nghiệp, đô thị, có hướng dẫn phương án cổ phần hoá, điều chuyển công năng một số tài sản công.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, TPHCM kiến nghị đề án thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường trên địa bàn thành phố và thành lập TP phía Đông trực thuộc TPHCM là 2 nội dung lớn và rất quan trọng vì liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Do đó, nếu Thủ tướng đồng ý cho triển khai 2 đề án này thì TPHCM cũng nên quan tâm chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và tiến hành trong năm 2020.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng lưu ý TPHCM khi thực hiện 2 đề án trên phải tiến hành đồng bộ với sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã... Và 3 nội dung này nên tích hợp trong 1 đề án vì liên quan đến tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, người dôi dư...
"Khi thực hiện cần liên kết tích hợp để khi triển khai đảm bảo thống nhất, đồng bộ để giữ vững ổn định cán bộ, công chức, người không chuyên trách cấp phường, xã...", lãnh đạo Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Về kiến nghị thành lập TP phía Đông, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết việc này không trái quy định pháp luật và về hành chính thì cũng chỉ là cấp huyện.
Lắng nghe ý kiến trao đổi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, TPHCM kiến nghị lại việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường nghe "hấp dẫn". Thủ tướng ghi nhận và sẽ báo cáo lại Bộ Chính trị.
Quốc Anh - Phạm Nguyễn