TPHCM chính thức có đường Lê Văn Duyệt
(Dân trí) - Sáng 16/9, quận Bình Thạnh (TPHCM) tổ chức lễ công bố đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu) thành đường Lê Văn Duyệt.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hoàng Song Hà cho biết, việc đổi tên đường được chính quyền quận Bình Thạnh lấy ý kiến các tổ chức chính trị, xã hội, chuyên gia, người dân và nhận được sự đồng thuận.
Từ tháng 10/2019, Quận ủy, UBND quận Bình Thạnh đã xin ý kiến Thường trực Thành ủy và UBND TP về chủ trương đổi tên đường Lê Văn Duyệt.
Đầu năm nay, UBND quận Bình Thạnh đã phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TP lấy ý kiến các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và người dân 2 phường (phường 1 và phường 3) có tuyến đường đi qua.
Chiều ngày 11/7, HĐND TPHCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 đã tiến hành phiên họp cuối của kỳ họp thứ 20. Tại phiên họp, các đại biểu HĐND TP đã thảo luận và thống nhất thông qua tờ trình về việc bổ sung quỹ tên đường và đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu trên địa bàn quận Bình Thạnh) thành đường Lê Văn Duyệt.
Ông Hoàng Song Hà cho biết, sau khi đổi tên đường sẽ tạo điều kiện cho người dân làm lại giấy tờ, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu... Đồng thời, quận sẽ làm tốt công tác quản lý đô thị để giữ mỹ quan tuyến đường.
Tại buổi lễ, ông Lê Văn Hòa, hậu duệ đời thứ 6 của Tả quân Lê Văn Duyệt, vui mừng chia sẻ: "Con cháu chúng tôi rất tri ân lãnh đạo thành phố, người dân đã đồng thuận, quan tâm đến công lao của Đức Ông, đồng ý đổi lại tên đường. Việc này có ý nghĩa rất lớn khi trùng với ngày giỗ lần 188 của Đức Ông".
Ngoài ra, thành phố cũng đã cấp kinh phí để phục hồi hàng rào, 4 cổng lăng... để lăng Đức Ông khang trang hơn.
Việc đổi tên đường do ông Trần Văn Sung - Phó Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (thường gọi là Lăng Ông Bà Chiểu) - đề nghị lên Hội đồng Đặt, đổi tên đường TPHCM và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo ông Sung, việc đặt đổi tên đường Lê Văn Duyệt thay cho đoạn đường Đinh Tiên Hoàng xuất phát từ yếu tố lịch sử và lòng kính trọng, ngưỡng mộ của người dân đối với Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.
Miếu mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt và vợ ông nằm trong Lăng Ông - Di tích lịch sử cấp Quốc gia được công nhận sớm sau 1975.
"Hiện nay ở khu vực chung quanh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) có các đường mang tên vị quan trong triều Nguyễn như: Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Bùi Hữu Nghĩa… Vậy nay ta phục hồi lại đường Lê Văn Duyệt tại nơi đây là rất khoa học, tạo thành một cụm khu vực người dân rất dễ nhớ, dễ tìm", ông Sung chia sẻ.