Tổng Bí thư: Phải dự liệu sau TPHCM, dịch Covid-19 "êm" hơn hay không!
(Dân trí) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước thống nhất phân công Thủ tướng làm Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống dịch Covid-19 và giao nhiều nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo…
Chiều 24/8, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng thông báo về kết luận của lãnh đạo chủ chốt đối với việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.
Trong ngày, các lãnh đạo chủ chốt, gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và đại diện các ban, bộ, ngành đã họp để nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Thủ tướng làm Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống dịch
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, công tác phòng, chống dịch thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng tình hình cho thấy còn một số vấn đề cần lưu ý, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; có lúc, có việc chưa cụ thể, nhất quán, còn lúng túng, một số địa phương còn chủ quan, công tác tuyên truyền chưa kịp thời, hiệu quả.
Tổng Bí thư nhấn mạnh dự báo thời gian tới, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, có khả năng kéo dài, nhất là tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế - xã hội; tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống của nhân dân. Trước tình hình đó, các lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước thống nhất phân công Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch. Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước.
Tổng Bí thư chia sẻ: "Đối phó với dịch bệnh rất khó khăn, cả thế giới như vậy. Các cấp lãnh đạo đều đã vất vả lắm, tôi biết Chính phủ nhiều hôm họp đến 12h30 đêm".
Ông nêu vấn đề, tới đây phải dự báo được tình hình dịch bệnh diễn biến ra sao, khả năng các biến thể mới phát sinh hay dự liệu sau TPHCM "dịch liệu đã êm chưa". Tổng Bí thư quán triệt, phải lường đến những khả năng xấu nhất để có phương án, kịch bản phù hợp.
"Ban chỉ đạo quốc gia phải làm việc này, phải có kế hoạch bài bản, chặt chẽ, thực hiện đúng vai, thuộc bài" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Chống dịch phải có kế hoạch bài bản, thực hiện đúng vai, thuộc bài
Tổng Bí thư yêu cầu các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, khẩn trương triển khai đánh giá tổng thể việc thực hiện chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua, phát huy những kết quả đạt được, phân tích thẳng thắn, rút kinh nghiệm sâu sắc những mặt chưa làm được, dự báo đúng tình hình, trên cơ sở kinh nghiệm trong nước, quốc tế, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để thống nhất giải pháp chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương.
Tổng Bí thư nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động chỉ đạo tập trung, quyết liệt, đến từng quận/huyện, phường/xã. Lãnh đạo cao nhất của Đảng chỉ rõ, chủ trương chống dịch phải thông suốt trong cả hệ thống vì "một người, một cơ quan không làm được".
Các địa phương phải hoàn thiện các phương án, kịch bản phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới, ngăn chặn không để dịch lan rộng, nhất là những khu vực trọng yếu như Thủ đô Hà Nội, các khu đô thị lớn tập trung đông dân cư, khu công nghiệp...
Tổng Bí thư lưu ý, tập trung nguồn lực chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho nhân dân, ưu tiên cho công tác khám, chữa bệnh, nhất là các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất lây nhiễm chéo, giảm thiểu số ca tử vong, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho an sinh xã hội, bảo đảm cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, lương thực thiết yếu và các hỗ trợ cần thiết cho người dân khi thực hiện cách ly, giãn cách, bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Tổ chức tốt việc bảo quản, mai táng các trường hợp tử vong phù hợp với phong tục tập quán.
Lưu ý khác của người lãnh đạo đứng đầu Đảng là khẩn trương tập trung triển khai chiến lược vắc xin, đặc biệt là việc cung ứng, tổ chức tiêm vắc xin tại các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm đang có dịch bùng phát mạnh, như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An..., sớm thực hiện tiêm vắc xin diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tiếp tục kêu gọi tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, huy động cả hệ thống chính trị cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Sau cùng, các lãnh đạo thống nhất chủ trương đối với các kiến nghị của Chính phủ về các giải pháp huy động lực lượng, bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội triển khai các bước để khẩn trương cụ thể hóa, bố trí ngay nguồn nhân lực, vật lực cần thiết cho các cấp, ngành, địa phương; đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.