Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Phát triển Hà Nội dựa trên 5 trụ cột
(Dân trí) - Nhấn mạnh Hà Nội phải phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa kinh tế với văn hóa và bảo vệ môi trường, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu triết lý phát triển thủ đô cần dựa trên 5 trụ cột.
Chiều 9/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để nghe báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Đây là chuyến thăm và làm việc đầu tiên với địa phương của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn tiêu biểu cho khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần nhân đạo và hòa hiếu của dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, truyền thống văn hiến đó lại càng được thể hiện rõ nét hơn.
Theo đó, thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, là điểm tựa quan trọng trong việc ổn định chính trị, bảo vệ an ninh đất nước và xây dựng mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác.
Chỉ đạo các nhiệm vụ của Đảng bộ thủ đô thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh phải nhận thức thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế vượt trội, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của thủ đô Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới.
Cùng với đó, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành thành phố tiêu biểu của cả nước về các mặt.
Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu Hà Nội phải phát triển nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, an toàn và hạnh phúc của nhân dân; với triết lý phát triển của Thủ đô dựa trên 5 trụ cột: văn hóa và con người; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chỉ đạo Hà Nội cần thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là nhiệm vụ "then chốt", bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác.
Trong đó, thành phố phải bám sát những tư tưởng chỉ đạo, tinh thần mới trong Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
"Tôi hoan nghênh Hà Nội vừa qua đã có những đột phá, sáng tạo trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng; thực hiện tinh gọn bộ máy phù hợp với chủ trương, định hướng của Trung ương, nhưng phải rất chú ý đi đôi với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để lạm quyền, lộng quyền", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.
Ông cũng đề nghị thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Cùng với đó, phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, trước hết là đoàn kết nội bộ trong các cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là đoàn kết trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Tạo điều kiện tốt nhất để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững hơn
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Hà Nội là thủ đô, đô thị đặc biệt nên cần có hệ thống các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi), nâng cao năng lực tài chính - ngân sách, huy động nguồn lực cho phát triển trong thời gian tới.
Theo đó, thành phố cần nghiên cứu để có định hướng rõ nét về phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của thủ đô. Mục tiêu là chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử theo hướng bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống.
Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả.
Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là giảm ùn tắc giao thông; đồng thời có các giải pháp căn cơ hơn nữa để xử lý các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu; cấp, thoát nước, chống úng ngập; xử lý chất thải, hạ tầng năng lượng...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng lưu ý phải tạo sự gắn kết, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, thúc đẩy liên kết vùng. Trong chiến lược phát triển, Hà Nội cần chú trọng phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm và các thành phố trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái...
Lưu ý Đảng bộ Hà Nội là đảng bộ lớn nhất cả nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo Thành ủy tập trung lãnh đạo đại hội đảng bộ các cấp đảm bảo tiến độ, chất lượng; tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị và nâng cao chất lượng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVIII.
Đồng thời, công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy các cấp, bảo đảm sự kế thừa, đổi mới; đề cao, coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý.
Hà Nội cũng cần chú trọng phát hiện, lựa chọn, giới thiệu những cán bộ tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đã kinh qua thực tiễn, có thành tích, kết quả, sản phẩm công tác và quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ...
Nhấn mạnh các kiến nghị, đề xuất của Hà Nội là xác đáng, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn quá trình vận động, phát triển, từ mong muốn tìm tòi, đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên của cả Đảng bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương liên quan, theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với thành phố để giải quyết cụ thể.
Ông nhấn mạnh tinh thần tạo điều kiện tốt nhất có thể để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững hơn nữa. Trong đó, cần nghiên cứu xây dựng quy chế làm việc đặc thù đối với Đảng bộ Thủ đô cũng như có các cơ chế, chính sách vượt trội để sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết đây là những định hướng lớn rất quan trọng để cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân thủ đô tiếp tục vận dụng và cụ thể hóa vào các chương trình, kế hoạch công tác, để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị của thành phố thời gian tới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, sáng tạo, gương mẫu của Đảng bộ đã được xây dựng, phát triển và giữ vững trong suốt 94 năm qua, tiếp tục lãnh đạo Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.