1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

“Tôi đã đôn đốc, xử lý được một số vụ tham nhũng nổi cộm”

(Dân trí) - Nhận nhiều câu hỏi “truy” đến cùng về trách nhiệm cá nhân đối với lĩnh vực phòng chống tham nhũng được giao phụ trách, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ông làm được không ít việc với sự tâm huyết, tinh thần chịu trách nhiệm trong 2 năm qua...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đại diện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đăng đàn, chốt lại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4 chiều ngày 14/6.
 
“Tồn kho” giải pháp = “nợ đọng” trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) xuất phát từ nhận định công tác điều hành trong nhiều việc như “phẫu thuật” ngành ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước... vừa qua diễn ra rất chậm, kém hiệu lực. Ông Thuyền băn khoăn có tác động của lợi ích nhóm chi phối ở đây.

Ông Thuyền yêu cầu Phó Thủ tướng chỉ rõ trách nhiệm đối với việc này thuộc ai, Chính phủ hay Thủ tướng.

Hiểu ý của đại biểu hướng tới công tác phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “trấn an” là tình hình và quan điểm chỉ đạo chống tham nhũng hiện rất… đồng bộ.

“Chúng tôi cũng thấy được một số hạn chế như đại biểu đã nêu. Đó là chưa đạt yêu cầu mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tham nhũng vẫn xảy ra nghiêm trọng, có biểu hiện tinh vi, phức tạp, nhất là một số cấp, một số ngành liên quan, gây bức xúc cho nhân dân. Có những vụ tham nhũng lớn từng bị phát hiện rồi một số lĩnh vực phức tạp xảy ra tham nhũng chưa được ngăn chặn như là lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên khoáng sản…” – ông Phúc thẳng thắn nhìn nhận.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng đại biểu bên lành lang Quốc hội.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng đại biểu bên lành lang Quốc hội.

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) “truy” tiếp người đại diện Chính phủ đang đứng ở vị trí trả lời chất vấn: “Là người được giao phụ trách, điều hành các lĩnh vực nội chính, an toàn giao thông quốc gia, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng là những lĩnh vực “nóng” - Phó Thủ tướng đang ngồi trên ghế nóng. Với trách nhiệm cá nhân, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thúc đẩy và đề ra những ý tưởng đột phá để xử lý các vụ tham nhũng?”.

Ông Tiến cho rằng, chính việc “tồn kho giải pháp” hiện đang là món nợ đọng trách nhiệm, làm vơi hụt lòng tin đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Phúc nêu định hướng thời gian tới, Chính phủ sẽ cố gắng thể chế hóa Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp trước, đồng thời ban hành các Nghị định để hướng dẫn thực hiện một cách đầy đủ luật này; tăng cường kiểm tra, điều tra, kiểm toán, xử lý và xử lý kiên quyết các vụ án tham nhũng.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một vấn đề lớn là cần thu hồi triệt để các tài sản do tham nhũng mà có.

Chưa hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Lê Như Tiến bấm nút xin được trao đổi lại. Ông Tiến cho rằng, đến thời điểm này, ông Phúc đã thực hiện được nửa chặng đường ở cương vị Phó Thủ tướng mà Quốc hội đã phê chuẩn giao cho ông trong nhiệm kỳ này. Từ góc độ nhận thức rõ ràng về trách nhiệm cá nhân trong chất vấn, đại biểu “nhắc” ông Nguyễn Xuân Phúc dùng nhân xưng “tôi” thay cho từ “chúng ta” để không làm mờ nhòe trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm của tập thể thường trực Chính phủ.

Đại biểu hỏi thắng, từ khi nhận chức vụ Phó Thủ tướng phụ trách khối nội chính, ông Phúc đã trực tiếp chỉ đạo, xử lý đưa ra ánh sáng bao nhiêu vụ tham nhũng điển hình, các lĩnh vực phụ trách khác như giải quyết khiếu nại tố cáo chuyển biến đến đâu…?

Phó Thủ tướng điểm lại, trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, ở vị trí Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trước đây, ông Phúc đã tiến hành chỉ đạo quyết liệt việc này, chủ yếu là xây dựng thể chế, đôn đốc kiểm tra và cũng đã xử lý được một số vụ việc nổi cộm một cách cương quyết, đúng pháp luật.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Phúc cũng khẳng định đã có những “chuyển biến tương đối rõ nét” thời gian qua.

Lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông, khi Quốc hội đặt vấn đề tai nạn giao thông đã trở thành tình trạng khẩn cấp ở Việt Nam, ông đã chỉ đạo riết gióng, kết quả, năm 2012, tai nạn giảm ở cả 3 tiêu chí. Nhiệm vụ xây dựng thể chế, ông Phúc cũng không giấu tự hào về kết quả số lượng văn bản nợ đọng là ít nhất so với 10 năm trở lại đây.

“Chúng tôi tâm huyết nhất là việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài nhiều năm, kết quả đã làm giảm một cách căn bản. Bài học rút ra là sự tâm huyết, trách nhiệm, chịu trách nhiệm trước những vấn đề mình quyết định” – ông Phúc khái quát.

“Xử” công chức vô cảm bằng… mã số định danh công dân
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng đại biểu bên lành lang Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tranh thủ trao đổi thêm giữa giờ nghỉ một buổi chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) lại đề cập vấn đề trách nhiệm ở khía cạnh khác. Dẫn lại nhận xét của ông Phúc tại cuộc họp Ban chỉ đạo đề án cải cách chế độ công vụ, công chức đầu năm 2013 về việc trong bộ máy công chức hiện còn một tỷ lệ không nhỏ số công chức làm việc kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", không mang lại hiệu quả nào, không có cũng được, ông Học yêu cầu Phó Thủ tướng giải trình về trách nhiệm của các cấp, ngành, người đứng đầu về hiện tượng này.

“Người dân rất bức xúc về thực trạng công chức thiếu năng lực, thái độ ứng xử cửa quyền, vô cảm vì người dân phải lao động cật lực để nuôi sống một bộ phận không đáng tồn tại trong bộ máy nhà nước này” – đại biểu nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại thừa nhận, mặc dù cố gắng nhiều trong lĩnh vực cải cách hành chính nhưng nhà nước cũng nhận thức rõ còn nhiều bất cập, tồn tại, khuyết điểm, kết quả chưa được như mong muốn của người dân. Việc người dân vẫn phàn nàn, ông Phúc nhận định, đó là công tác cải cách chưa thành công nhiều.

Những biểu hiện về thói cửa quyền, vô cảm của cán bộ công chức, người đại diện Chính phủ cũng công nhận. Chính những biểu hiện đùn đẩy, né tránh công việc, năng lực kém của công chức như thế đã làm suy giảm hệ thống quản lý Nhà nước và gây bức xúc trong nhân dân.

Nói về giải pháp, ông Phúc tiếp tục khẳng định phải thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, đề án công vụ, công chức, một cửa liên thông, quy trách nhiệm người đứng đầu…

Phó Thủ tướng cũng nhắc tới đề án đơn giản hóa giấy tờ công dân bằng việc áp dụng số định danh cá nhân trong quản lý. Ông Phúc quả quyết: “Chúng tôi hứa với Quốc hội là cố gắng làm thành công đề án này. Khi đó, 20 loại giấy tờ công dân chúng ta có hiện nay chỉ cần chuyển thành một cái thẻ, có mã số là số chứng minh nhân dân mà công an cứ cầm thẻ đó là ra tất cả các thông tin cá nhân mà không phải kê khai”.

Bài: P.Thảo
Ảnh: Việt Hưng