Tìm mô hình quản lý lưu vực sông hiệu quả
(Dân trí) - Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc tìm mô hình tổ chức lưu vực sông thực sự có vai trò điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông đang là yêu cầu cấp bách.
Từ năm 2002, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Nhận trách nhiệm trong bối cảnh các dòng sông liên tỉnh bị đe dọa trước suy thoái môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ thành lập các Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông.
Đó là Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu (năm 2007), Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (năm 2008) và Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy (năm 2009).
Các ủy ban này có chức năng tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng để thống nhất thực hiện các nội dung của Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái cảnh quan lưu vực sông.
Song song với các tổ chức này, còn có các tổ chức lưu vực sông do Bộ NN&PTNT đã thành lập và quản lý trước đó như Ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông.
Ban Quản lý này là tổ chức sự nghiệp có chức năng quản lý quy hoạch chứ không điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông.
Thậm chí, chức năng quản lý quy hoạch cũng mới chỉ được thực hiện một cách hình thức. Vai trò của Ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông hiện đang rất mờ nhạt trong tham mưu với Bộ, Tổng cục Thủy lợi.
Chính vì vậy, có tình trạng trên cùng một lưu vực sông, tồn tại 2 tổ chức lưu vực sông khác nhau. Có thể kể đến, tại lưu vực sông Cầu, ngoài Tiểu ban Ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông Cầu còn có Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, cũng như ở lưu vực sông Đồng Nai tồn tại cả Ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông và Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông.
Vấn đề quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, vì vậy lại bị tách vụn thành nhiều mảng mà chưa có sự quản lý tổng hợp. Trong khi chưa có một tổ chức lưu vực sông đủ năng lực để thực thi việc quản lý tổng hợp, sự phối, kết hợp giữa quản lý nước.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện có trên 10 tổ chức lưu vực sông tồn tại dưới dạng Ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông, Hội đồng Quản lý lưu vự sông được thành lập theo quy định của Luật Tài nguyên nước cũ (năm 1998) và Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông…
Các tổ chức này gồm các đại diện kiêm nhiệm là lãnh đạo một số Bộ, ngành và địa phương liên quan, dẫn tới những hạn chế trong đầu tư nguồn lực và thời gian cho nhiệm vụ quản lý.
Điều đáng nói, các tổ chức này hoạt động theo hình thức hội nghị, thảo luận. Các kết luận, giải pháp của các cuộc họp chủ yếu mang tính khuyến nghị và giá trị hiệu lực không cao.
TK