Ti vi LCD, plasma: Giá giảm chóng mặt

Trong vòng hai năm, thị trường ti vi LCD, plasma đã giảm giá đến chóng mặt. Có sản phẩm giảm 50%, thậm chí giảm tới 2/3 trị giá ban đầu. Chiếc ti vi 32 inch đầu tiên xuất hiện giá gần 70 triệu đồng, đến thời điểm này chiếc ti vi Plasma 71 inch chỉ có giá tương đương.

Trên thị trường Việt Nam hiện nay, hàng Panasonic 32 inch (Nhật - nhập nguyên chiếc) được Siêu thị điện máy Tràng Thi niêm yết giá 59,9 triệu đồng. Giá này đã giảm hơn 10% so với cuối năm 2006. Hàng Panasonic (lắp ráp trong nước) loại 32 inch ở một của hàng trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) chỉ có 19,9 triệu, khuyến mãi bộ dàn trị giá 4 triệu, giá chỉ còn gần 16 triệu đồng.

Sony là hãng có mức giá khá cao, chiếc ti vi LCD Bravia KLV 32S200A 32 icnh của Sony được Công ty điện tử Tràng Tiền bán  29,9 triệu đồng, (khuyến mãi thêm một chiếc ti vi trị giá 3,4 triệu đồng). Sản phẩm của Samsung  có mức giá vừa phải cũng giảm đáng kể.

Chẳng hạn chiếc tivi LCD Bordeaux 32 icnh giá giảm từ 29.900.000 đồng xuống còn 20.900.000 đồng. Giá ti vi LCD của Công ty Thắng Lợi với thương hiệu VVC đang được coi là rẻ nhất trên thị trường. Chiếc tivi LCD loại 32 inch giá khoảng 12.900.000 đồng, loại 20 inch giá 7 triệu đồng.

Theo dự báo trong 2007 giá ti vi LCD sẽ giảm từ 20-30% và trong 5 năm tới, ti vi màn hình phẳng chỉ chiếm 50% thị phần, tivi màn hình tinh thể lỏng chiếm 50% thị phần, còn tivi màn hình cong sẽ biến mất.

Nguyên nhân nào dẫn đến việc giá ti vi cao cấp giảm đến chóng mặt như vậy, theo các chuyên gia, sản xuất tivi LCD hiện đã đạt đến quy mô lớn, công nghệ sản xuất nâng cao, tỷ lệ hư hỏng ít, nhiều sản phẩm mới ra đời, hiện đại hơn, tiện ích hơn, làm cho các sản phẩm lỗi mốt phải giảm giá.

Bên cạnh đó, giá thiết bị nhập khẩu rẻ cũng tác động đến giá thành. Panel tivi LCD loại 32 inch nhập khẩu có giá 310 USD, các linh kiện như vỏ nhựa, bo mạch, nguồn và điều khiển, giá 150 USD, tổng cộng chỉ có 460 USD.

Tại sao giữa các hãng lại có sự chênh lệch lớn về giá như vậy? Nhiều ý kiến cho rằng, sự chênh lệch giá chỉ là câu chuyện của giá trị thương hiệu, còn chất lượng sản phẩm  không chênh lệch nhiều như giá.

Thực tế, trên thế giới cũng chỉ có  một số nhà sản xuất Panel  tivi LCD (màn hình tinh thể lỏng) là liên doanh LG-Philip, Samsung CMO,  Sony...  Các doanh nghiệp lắp ráp tivi LCD trên thế giới đều mua Panel của các nhà sản xuất này. Chất lượng Panel thường được chia ra làm các loại như tốt nhất (A+), tốt nhì (A-)... cho nên chất lượng bên trong sản phẩm gần như không chênh lệch nhau là bao nhiêu.

Chị Bình, nhân viên bán hàng ở Siêu thị điện máy Tràng Thi, Hà Nội cho biết: Người mua nên chú ý đến thời gian sống của màn hình. Có những sản phẩm của LG có thời gian lên đến 18 nghìn giờ, tức là nếu dùng hơn 10 tiếng một ngày thì tuổi thọ của màn hình có thể lên tới 17 năm. Thứ nữa là căn cứ vào diện tích của ngôi nhà bạn mà chọn kích cỡ màn hình. Bởi với màn hình tinh thể lỏng chất lượng phụ thuộc rất nhiều vào góc nhìn.

Nhiều người dùng ti vi màn hình tinh thể lỏng cho biết, hình ảnh không sắc nét là “lỗi” đầu tiên mà các ti vi này hay gặp phải, thứ nữa là chiều cao của hình ảnh thường bị thu ngắn lại.

Nguyên nhân là do tivi màn hình tinh thể lỏng thường có độ phân giải là 1.280x960, 1.280x1.024 và 1.280x768, 1.024x768, song do các đài truyền hình phát sóng theo kỹ thuật analog hệ PAL DK và chuẩn DVB-T cho truyền hình kỹ thuật số, chưa có truyền hình kỹ thuật số theo chuẩn HD (high definition - độ nét cao) nên chất lượng hình ảnh thu được thường không đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, các đài truyền hình phát hình theo tỉ lệ chuẩn 4:3, trong khi đó tivi màn hình tinh thể lỏng chủ yếu theo tỉ lệ 16:9 (chuẩn điện ảnh màn ảnh rộng) nên khi xem sẽ gặp trường hợp không đúng tỉ lệ.

Theo Thiên Tùng
Báo Bưu điện